Một ngày lúc chồng tôi vắng nhà, mẹ chồng gọi tôi đến ngồi bên. Mẹ chậm rãi lấy ra một quyển sổ và hai chiếc phong bì đặt vào bàn tay tôi.

Tôi từng nghĩ, nếu được quay lại ngày xưa, được làm lại từ đầu, tôi sẽ không chọn lấy chồng tôi. Ngoài vẻ bảnh bao, anh không hề biết chăm lo cho gia đình, rất thích nhậu nhẹt, tụ tập với bạn bè.

Anh xuất thân ở nông thôn, hoàn cảnh gia đình không giàu có nhưng là con trai một nên được nuông chiều. Từ bé đến lớn, chủ yếu là mọi người trong nhà lo cho anh, còn anh chưa từng biết quan tâm, chăm sóc cho ai.

Kết hôn rồi anh vẫn còn mải chơi, một phẩn vì còn trẻ tuổi, một phần vì không tu chí làm ăn. Dẫu có không hài lòng vì điều nọ điều kia, tôi vẫn phải thừa nhận anh là người đàn ông tình cảm, làm cha cũng rất dịu dàng.

Chúng tôi cưới nhau được 2 năm, con nhỏ mới chào đời, mẹ chồng tôi báo bệnh. Mẹ nói, tháng nào mẹ cũng cần tiền lấy thuốc. Bố chồng đã mất, giờ mẹ chỉ có thể dựa vào con. Mẹ đề nghị chồng tôi mỗi tháng đưa cho mẹ một số tiền để mẹ trang trải.anh 1 me chong.pngTôi xấu hổ khi đã có những suy nghĩ không tốt về mẹ chồng (Ảnh minh họa: iStock).
Khi nghe những lời này, lòng tôi có chút khó chịu. Mẹ chồng tôi là viên chức về hưu. Số tiền lương hưu không nhiều nhưng nếu tằn tiện vẫn có thể đủ cho mẹ chi tiêu hàng tháng. Trong khi đó, vợ chồng tôi còn nuôi con nhỏ, nhà cửa chưa có.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, chồng tôi ngoài không biết tiết kiệm và ham chơi bời, nhậu nhẹt, anh rất thương mẹ, thương con. Anh nói, sau này sẽ bớt những thú vui, dành tiền gửi cho mẹ thuốc thang.

Tôi hiểu rõ trách nhiệm của người làm con, không dám kêu ca, than phiền. Nhưng mỗi tháng, cứ đến ngày chồng tôi nhận lương, mẹ lại gọi điện khiến tôi khó chịu. Nếu khoản tiền đó không phải gửi cho mẹ chồng mà anh đưa cho tôi, hẳn tôi cũng bớt phải chi li, tính toán.

Trước đây, khi mẹ báo bệnh, chồng tôi ngỏ ý đón mẹ lên thành phố ở cùng để tiện chăm sóc. Mẹ từ chối vì nói đã quen với quê kiểng ruộng vườn, nhà trọ chúng tôi cũng không đủ rộng rãi. Ở quê mẹ có anh em, họ hàng, làng xóm. Vả lại, mẹ vẫn còn tự chăm lo cho bản thân được, chưa cần phiền đến con.

Nhưng sức khỏe mẹ ngày một yếu, vợ chồng tôi không thể suốt ngày chạy đi chạy về. Cuối cùng, con thương mẹ, mẹ thương con, bà đồng ý lên ở cùng vợ chồng tôi.

Từ ngày đón mẹ lên ở cùng, chồng tôi không còn la cà sau giờ làm nữa. Anh về sớm, phụ tôi việc nhà, chuyện trò và chăm sóc mẹ. Anh trước đây và anh của bây giờ như hai người hoàn toàn khác nhau.

Một ngày, lúc chồng tôi vắng nhà, mẹ gọi tôi đến ngồi bên. Mẹ bảo tôi đưa túi xách cho bà, rồi chậm rãi lấy ra một quyển sổ và hai chiếc phong bì. Bà đặt tất cả vào tay tôi rồi nói:  “Mẹ biết, chồng con là người đàn ông không có nhiều ưu điểm. Cưới nó, có thể con phải chịu nhiều vất vả.

Trong phong bì này là tất cả số tiền mấy năm vừa qua chồng con đều đặn gửi về cho mẹ. Nó gửi bao nhiêu, ngày nào, mẹ đều ghi hết vào sổ. Phong bì còn lại là tiền mẹ để dành được, giờ mẹ giao hết lại cho con”.

Cầm hai chiếc phong bì trên tay, tôi không cầm được nước mắt, trong phút chốc bỗng xấu hổ nhận ra mình tệ biết bao nhiêu. Hóa ra mẹ chồng hiểu rõ tính con trai nên đã lấy lý do ốm đau để giúp anh giữ tiền.

Vậy mà mấy năm qua, mỗi tháng thấy mẹ gọi điện hỏi đã gửi tiền chưa, tôi đều lấy làm khó chịu, có suy nghĩ không mấy thiện cảm về bà. Tôi không biết rằng, mẹ chồng dù ốm đau vẫn sống tằn tiện để dành tiền cho con cháu.

Ở đời, có những chuyện mình thấy vậy nhưng chưa chắc đã phải vậy. Nếu không hiểu rõ vấn đề, chỉ nhìn bề ngoài mà phán xét, chắc chắn sẽ có những lệch lạc, không đúng.

Càng thấy mình tệ, tôi càng thương mẹ chồng nhiều hơn. Không có người mẹ nào lại không thương con, chỉ là cách thương con mỗi người một khác. Có những tấm lòng, khi mình hiểu ra thì đã không còn nhiều cơ hội và thời gian để bù đắp nữa.