Nguyễn Đình Triệu trở thành thủ môn xuất sắc nhất ASEAN Cup 2024 trong lần đầu được bắt chính cho đội tuyển Việt Nam.

Thăm gia đình của thủ môn Đình TriệuMẹ và các cậu ruột của thủ môn xuất sắc nhất ASEAN Cup 2024 Nguyễn Đình Triệu. Ảnh: Nam Hồng
Mẹ Đình Triệu là lao công, có 22 năm làm việc tại trường cấp III

Chiều 5.1, chúng tôi tìm về quê nhà thủ môn đội tuyển Việt Nam Nguyễn Đình Triệu ở thôn Bái Thượng (xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trước giờ diễn ra trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 chỉ mấy giờ đồng hồ.

Trước đó, những thông tin về quê quán, gia cảnh của tuyển thủ hiện khoác áo Câu lạc bộ Hải Phòng này là rất ít.

Chúng tôi liên hệ ông Vũ Trường Ca – Chủ tịch UBND xã Dương Phúc để hỏi thăm đường về nhà Đình Triệu. Ông Ca cho biết, trước trận chung kết lượt về, gia đình Đình Triệu không tổ chức xem bóng tập thể để cổ vũ cho Triệu và đội tuyển như tại quê nhà của nhiều tuyển thủ khác trong đội tuyển Việt Nam.

Theo Chủ tịch xã, hiện chỉ có mẹ Đình Triệu sống ở quê, điều kiện còn nhiều khó khăn. Mẹ Đình Triệu trước đây làm lao công tại Trường THPT Tây Thụy Anh, huyện Thái Thụy.
a


bNgôi nhà nhỏ của mẹ Đình Triệu ở quê nhà. Ảnh: Nam Hồng
Ông Quách Đình Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thụy Anh – xác nhận với chúng tôi: “Đúng rồi, là bà Nhĩn, mẹ của Đình Triệu. Bà ấy làm việc giúp trường 22 năm, ai cũng yêu quý. Đến năm kia, bà ấy xin nghỉ vì lý do sức khỏe.

Hôm chia tay tập thể nhà trường, bà Nhĩn cảm động không kìm được nước mắt. Công đoàn nhà trường và các đoàn thể tặng phần quà 10 triệu đồng để bà sửa lại mái nhà. Nói về đạo đức, phẩm chất thì gia đình và bản thân bà Nhĩn hay lắm, tuyệt vời lắm, không chê vào đâu được”.

“Hôm cưới Triệu, các thầy cô cũng xuống dự, chung vui với gia đình. Triệu trước đây là học sinh của trường, rất ngoan ngoãn và nghị lực. Mấy hôm nay chúng tôi theo dõi thấy Triệu được bắt chính cho đội tuyển và giành nhiều chiến thắng, thật sự rất tự hào vì quê hương có được một người như Triệu”, ông Lương phấn khởi cho biết thêm.

Bố mất từ khi lên 8, Đình Triệu vào Nam ra Bắc để học tập, theo đuổi bóng đá

Chiều cùng ngày, tìm đến nhà Triệu, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về mẹ thủ môn đội tuyển Việt Nam là một người phụ nữ khoảng 73, 74 tuổi với hình dáng nhỏ, gầy guộc nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát.

Bà Nhĩn sống một mình tại ngôi nhà khá nhỏ nằm nép trong ngõ, gần với nhà của hai người em trai. Trong nhà có lẽ vì ít khách khứa nên không thấy bà Nhĩn đặt bàn ghế uống nước.

Chúng tôi cùng bà Nhĩn và hai người em trai ngồi uống nước, chuyện trò ngay trên tấm nệm giường nơi bà vẫn dùng để nghỉ ngơi.
Tác giả Mẹ và 2 cậu ruột của thủ môn Đình Triệu uống nước, trò chuyện với PV ngay trên tấm giường nệm của gia đình. Ảnh: Nam Hồng

“Ông nhà tôi có tổng cộng 6 người con, 4 trai, 2 gái. 3 con trai, 1 con gái lớn là con bà cả. Sau khi bà ấy mất thì ông ấy lấy tôi, đẻ ra thêm được chị gái Triệu và Triệu. Năm 1998, ông nhà tôi mất, khi đó Triệu 8 tuổi, chị gái lên 12. Học hết lớp 11, vì đam mê bóng đá nên Triệu bỏ học thi tuyển lên đội trẻ của T&T Hà Nội. Sau đó, vì không trúng vào đội 1 của T&T nên Triệu vào miền Nam, vừa đi làm bảo vệ, vừa đi học lại từ lớp 10, sau đó là thi đỗ ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM.

Thế rồi sau đó, cơ duyên lại đưa cháu quay lại với bóng đá, rồi ra Câu lạc bộ Hải Phòng thi đấu. Vợ cháu cũng ra Hải Phòng, hiện giờ hai đứa thuê nhà để ở, đã có 1 bé gái 14 tháng, ban ngày vợ cháu gửi con ở nhà trẻ để đi làm, thi thoảng tôi cũng ra thăm”, bà Nhĩn kể.
Tác giả chụp ảnh kỷ niệm cùng bà Nhĩn và 2 người cậu ruột của thủ môn Đình Triệu. Ảnh: Nam HồngTác giả chụp ảnh kỷ niệm cùng bà Nhĩn và 2 người cậu ruột của thủ môn Đình Triệu. Ảnh: Nam Hồng
Bà Nhĩn bảo đôi lúc bà cứ nghĩ như mình đang mơ, vẫn chưa thể tin là có ngày con trai lại được chọn làm thủ môn bắt chính tại đổi tuyển quốc gia.

“Lúc đầu, tôi không bao giờ dám nghĩ là Triệu sẽ được gọi vào đội tuyển. Khi lên tuyển rồi thì có nhiều ý kiến nói này nói kia. Tôi chỉ động viên cháu giữ gìn sức khỏe, cố gắng phấn đấu thật tốt, đáp lại sự quan tâm, tạo điều kiện của các thầy. Tôi vẫn nói vui với chị gái Triệu và mọi người rằng Triệu là “đóa hoa nở muộn”, tuy muộn nhưng vẫn… “nở”, bà Nhĩn tươi cười, phấn khởi chia sẻ.