Ngày 16/10, tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 22 về máy móc và thiết bị ngành công nghiệp nhựa và cao su (VietnamPlas 2024), ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất lốp xe ô tô toàn cầu, với dự kiến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su kỹ thuật trong năm 2024 đạt 4 tỉ USD

Chú thích ảnhDoanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tìm hiểu nhiều công nghệ mới của ngành cao su, nhựa tại triển lãm VietnamPlas 2024. 
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, hiện nay, các doanh nghiệp ngành cao su nhựa Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư, đưa nguyên liệu tái chế vào sản xuất để cải thiện hơn nữa năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã kí kết được những đơn hàng lớn với các đối tác quốc tế để biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lốp xe của toàn cầu.

Thống kê ở các doanh nghiệp Việt Nam, đơn hàng của ngành lốp xe trong những tháng cuối năm 2024 đã tăng 10 – 15% so với những đầu năm, trong khi đơn hàng cao su kỹ thuật tăng tới 20 – 30%. Nguyên nhân, do doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước để có giá thành cạnh tranh và chất lượng tương đương các nước khác. Chưa kể, giai đoạn sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su đã trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn vào năm 2025.

Chú thích ảnhKhá đông đại biểu và doanh nghiệp cùng tham quan triển lãm VietnamPlas 2024 trong ngày 16/10.
“Hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp ngành nhựa, cao su đã và đang tích cực nâng cao tỉ lệ sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặt khác, một số thị trường châu Âu và Mỹ cũng ưu tiên chọn sản phẩm tái chế để bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp Việt Nam đã chiếm ưu thế khi chào hàng”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện  sản phẩm nhựa Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, cụ thể là vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội để có nhiều đơn hàng cần tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất. Việc đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại, tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh và nâng cao năng suất.


Chú thích ảnhCông nghệ sản xuất nhựa tái chế mới nhất được giới thiệu rộng rãi đến công chúng, doanh nghiệp tại Việt Nam. 

“Ngành nhựa, cao su Việt Nam muốn tiếp cận được yêu cầu đối với sản phẩm nhựa trên thế giới thì các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cần tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến các sản phẩm nhựa bền vững và thân thiện với môi trường. Vì vậy, triển lãm VietnamPlas 2024 là cơ hội để các nhà cung cấp nguyên vật liệu mới, giới thiệu máy móc thiết bị mới để đón đầu thị trường tiềm năng này trong thời gian tới”, ông Phan Tuấn Hùng cho biết.

Triển lãm VietnamPlas 2024 diễn ra từ ngày 16 – 19/10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) với sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp từ 20 quốc gia. Đây là triển lãm chuyên trưng bày những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới về ngành nhựa, cao su… để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận những công nghệ mới trên thế giới.

Triển lãm VietnamPlas 2024 do Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội nhựa Việt Nam cùng tổ chức.