Cùng với NSƯT Văn Báu, NSND Việt Thắng cũng là một trong những diễn viên vào vai công an nhiều nhất màn ảnh Việt. Sắp tới ông tiếp tục đảm nhiệm vai Thiếu tướng công an. NSND Việt Thắng chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị.

Lời toà soạn

Những diễn viên là công an thật ngoài đời thường để lại ấn tượng với khán giả về sự chuyên nghiệp, chỉn chu đến từng chi tiết khi hóa thân vào các tuyến nhân vật đa dạng. Có khi họ nhập vai công an “xịn” trên phim rất “ngọt” như nói về cuộc sống của chính mình. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu chân dung các nghệ sĩ công tác trong ngành công an và những diễn viên vào vai công an nhiều nhất, thành công trên màn ảnh cùng những lát cắt cuộc sống đời thường bình dị của họ.

Không nhớ đã bao nhiêu lần đóng vai công anW-afb2803d432be775be3a.jpgNSND Việt Thắng tại sự kiện khai máy phim “Mật lệnh hoa sữa”. Ảnh: Quỳnh An
– Được biết NSND Việt Thắng tiếp tục đảm nhiệm vai công an trong phim “Mật lệnh hoa sữa” vừa bấm máy, anh có thể nói gì về vai diễn này?

Tôi may mắn được tham gia series phim Vì tình yêu Hà Nội và đặc biệt là phim cảnh sát hình sự Mật lệnh hoa sữa về các chiến sĩ công an, những người luôn phải đấu tranh với tội phạm, nhất là tội phạm ma túy đang ngày càng mở rộng.

Công việc của các chiến sĩ công an ngày càng nặng nề hơn, thậm chí phải đổi bằng cả tính mạng và rủi ro trong quá trình phá án. Tôi đóng vai Thiếu tướng Trần Long – Giám đốc Công an thành phố – người chỉ đạo trực tiếp đánh án. Phim nói về Hà Nội và bối cảnh quay là  Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Nội.

– Đây là lần thứ bao nhiêu anh vào vai công an trên phim? 

Nói thật là tôi không thể nhớ nổi. Năm 1995 tôi quay Vụ án đêm mưa cũng của Đài Hà Nội. Giai đoạn đó tôi tham gia khá nhiều phim của Đài Hà Nội nhưng hơi ngạc nhiên là 20 năm qua không thấy sản xuất phim nữa. Còn về mảng cảnh sát hình sự, tôi nhớ vào thời điểm năm 1999-2000, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất 1-2 phim/năm về đề tài này.

Trong phim Từ đen đến trắng 20 năm trước, tôi đóng vai Đại úy Vũ Xuân Trường – một chiến sĩ công an phá án về ma túy rất giỏi nhưng về sau phạm sai lầm là sa vào buôn bán ma túy. Phim Bí mật tam giác vàng đấu tranh với tội phạm ma túy quay ở Điện Biên tôi cũng đóng vai Giám đốc công an tỉnh. Gần nhất là phim Đấu trí, tôi nhận vai Giám đốc công an. Lúc trẻ thì đóng chiến sĩ còn từ lúc 50 tuổi đến giờ, tôi đã đóng 6-7 phim là lãnh đạo công an.311241657_1162299827692236_3960674948153596229_n.jpg


NSND Việt Thắng chuyên vào vai công an. Ảnh: FBNV
– Anh đến với vai Thiếu tướng công an trong “Mật lệnh hoa sữa” như thế nào?

Tôi rất vui và vinh dự khi tham gia bộ phim này. Cũng có thể mình ghi dấu ấn riêng nên họ mới mời vào vai Giám đốc công an thành phố trực tiếp chỉ đạo đánh án. Nhân vật của tôi xuất hiện không nhiều nhưng luôn có mặt trong các cuộc họp chỉ đạo suốt quá trình đấu tranh chống tội phạm ma túy. Sẽ có nhiều khoảnh khắc cân não phải đưa ra quyết định.

– Khán giả thường nghĩ với những nghệ sĩ gạo cội đã đóng vai công an nhiều thì lần này chắc không có gì làm khó được anh. Còn cá nhân NSND Việt Thắng, anh có gặp khó khi tạo cho nhân vật mới một màu sắc khác biệt so với các vai trước?

Mỗi vai diễn có một số phận nhưng nhìn chung đã là lãnh đạo công an phải là người chịu trách nhiệm cao nhất về mảng đấu tranh tội phạm. Khi đóng vai giám đốc, trong nhiều trường đoạn họp chỉ đạo đánh án có những từ chuyên môn bắt buộc không thể sai. Ví dụ “cho phép” hay “phê chuẩn” rất khác nhau. Mới đây khi quay đến đoạn này tôi xin phép đạo diễn dùng thoại từ “phê chuẩn”. Trước đó, khi quay các phim về cảnh sát hình sự, chúng tôi được người bên Bộ Công an sang hỗ trợ. Phim Đấu trí quay năm 2022 cũng có sự tư vấn của ngành công an.306963487_1142254789696740_646284556734796942_n.jpgNSND Việt Thắng cùng NSND Trung Anh ở hậu trường phim “Đấu trí”. Ảnh: FBNV

Bà xã làm ngành Y, con gái cũng theo nghề mẹ, con trai không theo nghề bố

– Xuất hiện trên phim rất nhiều nhưng không ít người thắc mắc thông tin về anh rất ít. Lý do vì sao anh né tránh truyền thông? 

Không phải né tránh đâu, đơn giản vì thời của chúng tôi khác. Trước đây ra mắt phim, chúng tôi không được gặp gỡ truyền thông như bây giờ và cũng không có lễ khởi quay hoành tráng thế này. Có phóng viên từng hỏi tôi có thấy buồn không nếu so sánh hiện tại với trước đây nhưng tôi nói là không, bởi mỗi thời mỗi khác.

Ngày xưa tôi đóng phim cũng có lúc rất rực rỡ, mọi người chờ đợi để hỏi khi nào sẽ đóng phim tiếp theo. Và cơ bản tôi cũng không thích lên truyền thông. Hôm nay tôi nể bạn lắm mới trả lời bởi nhiều lần tôi từ chối báo chí. Cứ được sống và cống hiến cho nhiều vai diễn với tôi là may mắn, là niềm hạnh phúc. Được khán giả nhắc tới, nhớ tới trong các bộ phim mới là điều cốt lõi và quan trọng hơn chuyện lên báo. Tôi có dùng Facebook nhưng cũng ít khi chia sẻ thông tin.

– Cuộc sống của anh khi về hưu có nhiều thay đổi? Anh có khi nào thấy hụt hẫng khi chia tay nhà hát – nơi đã gắn bó cả đời? 

Cũng có chút hụt hẫng vì mình đang hàng ngày tới nhà hát, tối đi diễn, ra vở thì tập liên tục. Sân khấu có cái vất vả riêng nhưng bắt buộc phải có ngọn lửa đam mê, khát vọng chinh phục lớn. Diễn viên điện ảnh hỏng có thể quay lại được, còn diễn viên sân khấu hỏng thì không – bởi sân khấu là diễn trực tiếp cho khán giả.

Người diễn viên điện ảnh cần những phút xuất thần còn diễn viên sân khấu phải nuôi ngọn lửa trên sân khấu ít nhất 2 tiếng của vở diễn để lôi kéo khán giả. Đến ngày hôm nay tất cả các vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn mời tôi đóng nhưng có lúc phải nói lời từ chối vì còn thế hệ trẻ, mình nên đứng sang một bên để các bạn ấy bước tiếp.74607764_486109001977992_1215517045173518336_n.jpgCùng với NSƯT Văn Báu (ngoài cùng bên trái), NSND Việt Thắng cũng là một trong những diễn viên vào vai công an nhiều nhất màn ảnh Việt. Ảnh: FBNV
– Những người cùng tuổi anh hoặc cùng nhà hát như NSND Trọng Trinh, Lan Hương đều đã có cháu, còn NSND Việt Thắng đã lên chức chưa?

Tôi “lên chức” ông nội 5 năm nay rồi và 1 tháng nữa thì làm tiếp ông ngoại.

– Trong nhà có ai theo nghề diễn viên của anh?

Không. Bà xã tôi làm ngành Y. Con gái cũng theo nghề của mẹ còn con trai tôi làm bên thiết bị vật tư y tế. Tôi đã nói chuyện với các con khi chúng ở ngưỡng cửa cuộc đời từ 15-17 tuổi nhưng cả hai đều không đam mê nghệ thuật. Tôi có nói nghề của mình phải có đam mê và đặc biệt phải có khát vọng chinh phục lớn, cộng với may mắn mới thành công. Nếu không có yếu tố đó làm nghệ thuật sẽ chỉ nhờ nhờ, vất vưởng và sống khổ lắm. Tôi đã nhìn thấy nhiều người như thế ở thế hệ đi trước, thế hệ mình và lớp kế cận. Có người rẽ ngang, có người bỏ, có người thiếu may mắn còn tôi tự thấy mình là người may mắn.