Từ vụ gần 600 sản phẩm sữa giả bị phát hiện, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần kiểm soát chặt hơn công tác quản lý sản xuất sữa và hoạt động thanh tra, kiểm tra để tránh những “cú lừa” tương tự.

Sữa giả bày bán công khai suốt 4 năm và ngàn vạn nỗi lo

Những ngày qua, khi cơ quan chức năng thông tin, nhiều người mới tá hỏa nhận ra mình đã mua phải các loại sữa giả.

Một nữ biên tập viên của VTV bức xúc cho biết, cô vô cùng phẫn nộ khi phát hiện sản phẩm sữa chồng cô uống sau khi trải qua ca phẫu thuật não cam go là sữa giả.

Một bà mẹ ở Phú Thọ nghi vấn con mình suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa do dùng sữa giả… Và có hàng ngàn vạn nỗi lo sợ, thấp thỏm khi người dùng không may phát hiện trong danh sách sữa giả có tên sản phẩm mình đã bỏ hàng trăm nghìn, thậm chí nhiều triệu đồng để mua.

Nhiều bà mẹ, thai phụ, những người chắt chiu từng đồng tiền mua sữa biếu cha già mẹ yếu cũng tỏ rõ sự bất bình vì bị lừa một thời gian dài, tốn kém tiền của nhưng lại uống phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Liên quan đến vụ phanh phui gần 600 sản phẩm sữa giả, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, hoạt động sản xuất sữa giả diễn ra quy mô lớn, thời gian kéo dài nhiều năm, bán ra thị trường gần 600 sản phẩm, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ – luật sư Đặng Văn Cường nhận định, đây là vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi phạm tội kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hoạt động quảng cáo các loại sữa giả này được triển khai rầm rộ, đánh lừa người tiêu dùng.

Sau khi vụ việc được công bố, nhiều người đặt câu hỏi vì sao đường dây sữa giả lại lộng hành trong suốt 4 năm, ngang nhiên bày bán các mặt hàng? Có bao nhiêu đứa trẻ, phụ nữ có thai, người già đã uống phải những sản phẩm làm giả tiềm ẩn nguy hiểm này?.

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, đối với các loại hàng hóa là thực phẩm, hiện nay vẫn áp dụng cơ chế quản lý “hậu kiểm”, đơn vị sản xuất tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm theo nội dung đã công bố.

Cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm nếu có.

Trong quá trình sản phẩm lưu hành bán ra thị trường, cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện ra chất lượng sản phẩm không đảm bảo theo tiêu chuẩn đã công bố thì đơn vị sản xuất sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy thuộc vào những vi phạm cụ thể.

Cách quản lý này khá phổ biến ở nhiều quốc gia để đảm bảo hoạt động tự do kinh doanh, giảm bớt các thủ tục hành chính và để hàng hóa sản xuất được nhiều hơn, đưa ra thị trường dễ dàng hơn.

Tuy nhiên cách quản lý “hậu kiểm” này vẫn tồn tại nhược điểm, có thể tạo kẽ hở cho những đơn vị kinh doanh không tuân thủ pháp luật sản xuất hàng kém chất lượng. Khi hàng hóa được giao dịch, lưu hành, có người bị hại, có nạn nhân rồi thì cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý.

“Lợi dụng vào đặc điểm quản lý kinh doanh này, các đối tượng đã sản xuất hàng giả với khối lượng lớn, bán ra thị trường một thời gian dài và thu lợi bất chính đến 500 tỷ đồng mới bị phát hiện”, luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Theo Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, công tác quản lý hiện nay tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo thuận lợi cho khâu lưu thông và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nếu đơn vị thiếu đạo đức kinh doanh, coi thường pháp luật thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, từ những vụ việc sản xuất hàng giả với quy mô lớn phát hiện thời gian qua, cần phải nghiên cứu bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường kiểm soát hàng hóa đầu ra, tăng cường công tác kiểm tra đối với các hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Sữa bột là sản phẩm đặc biệt và chịu trách nhiệm bởi nhiều cơ quan

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, sản xuất sữa bột là một quy trình đặc biệt, phức tạp, không những phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà phải tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, quy trình sản xuất, tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật.

Điều kiện về cơ sở sản xuất sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia, nhân viên tham gia quy trình sản xuất cũng được quy định rất chi tiết.

Để được phép lưu thông trên thị trường, các công ty phải nộp hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm với cơ quan đơn vị có thẩm quyền.

Nếu hồ sơ công bố sản phẩm hợp lệ, đúng thủ tục thì mới được cơ quan chức năng tiếp nhận và xác nhận về việc công bố sản phẩm. Từ đây cũng có những kẽ hở để các doanh nghiệp làm ăn phi pháp lợi dụng, hợp thức hóa sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm giả rồi đưa ra thị trường.

Pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm của một số cơ quan tổ chức đối với kiểm soát chất lượng sản phẩm là thực phẩm, trong đó có sữa bột như sau:

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có trách nhiệm chính là: Thẩm định hồ sơ công bố sản phẩm (kiểm tra thành phần, chỉ tiêu, nhãn mác…); yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm tại phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025; kiểm tra hậu kiểm sau công bố (điều tra, lấy mẫu tại cơ sở sản xuất hoặc ngoài thị trường); áp dụng bắt buộc với sữa bột cho trẻ dưới 36 tháng tuổi hoặc sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt.

Sở y tế địa phương nơi bán sản phẩm có trách nhiệm: Tham gia kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà xưởng, con người, hồ sơ công bố sản phẩm…; phối hợp với thanh tra liên ngành trong xử lý vi phạm.

Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản NAFIQAD, thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng có một phần trách nhiệm đối với một số sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường, chính quyền địa phương cũng sẽ có trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh ở địa phương, tổ liên ngành có trách nhiệm kiểm tra kịp thời phát hiện xử lý các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm pháp luật về kinh doanh.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra có thể là thực hiện đột xuất hoặc khi có kế hoạch, có sự vụ xảy ra. Bởi vậy, quá trình điều tra vụ án gần 600 sản phẩm sữa giả, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ quá trình kinh doanh tại các địa phương, tổ liên ngành có tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hay không, mức độ thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm như thế nào, vì sao không phát hiện ra hành vi vi phạm trong suốt một thời gian dài?.

Nếu có hành vi thiếu trách nhiệm hoặc tiếp tay dung túng cho sai phạm thì tùy vào tính chất mức độ sai phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Sữa bột là sản phẩm đặc biệt, nếu chỉ thanh tra kiểm tra bằng mắt thường, kiểm tra giấy tờ sản phẩm thì có thể khó phát hiện. Tuy nhiên, nếu tiến hành kiểm nghiệm, sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dụng có thể kiểm tra được thành phần, các chất dinh dưỡng để so sánh chất lượng sản phẩm với nội dung công bố sản phẩm, nhãn mác sản phẩm.

Bởi vậy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần làm rõ quy trình quản lý, thủ tục quản lý để xác định với các quy định hiện nay, hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện ra sao. Từ đó làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị can và trách nhiệm trong công tác quản lý.