Thời gian gần đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc sản phụ lựa chọn hình thức sinh mổ (sinh mổ chủ động) để con được sinh ra vào ngày đẹp, giờ đẹp đang có xu hướng gia tăng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc mổ lấy thai để chọn ngày đẹp, giờ đẹp luôn tiềm ẩn với nhiều nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh.

Nhờ bác sĩ can thiệp để sinh mổ chủ động, chị N.T.L rất phấn khởi vì cậu con trai đầu lòng được sinh đúng vào giờ đẹp, ngày đẹp theo mong muốn của gia đình. Thực tế, chị L không phải là trường hợp cá biệt chọn “giờ vàng” để sinh con, mà tình trạng đang diễn ra ở khá nhiều sản phụ. Do quan điểm cá nhân, nhiều người rất tâm đắc khi con sinh vào được ngày hoàng đạo, giờ hoàng đạo, hứa hẹn cho một tương lai may mắn và tốt đẹp. Chính vì thế, nhiều người đã đi “xem ngày, xem giờ” và chọn sinh dịch vụ để có thể thực hiện được ý nguyện. Một số sản phụ còn cho rằng, sinh mổ chủ động có thể an toàn hơn sinh thường, nên rất tự tin khi lựa chọn “giờ vàng” để sinh mổ mà không chút băn khoăn, lo lắng.

 Trẻ suy hô hấp sau sinh mổ chủ động đang được điều trị tích cực lại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương).

Tuy nhiên, theo các bác sĩ sản khoa, trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ, từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí cần phải đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mổ lấy thai chủ động khi chưa có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.

Nói cách khác, chính việc thiếu hiểu biết, nhiều cha mẹ lầm tưởng sinh mổ chủ động sẽ an toàn hơn sinh con theo phương pháp tự nhiên. Song điều này đã khiến trẻ sinh ra phải đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm đe dọa đến mạng sống của trẻ. Mới đây nhất, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận 6 trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải thở máy, có trẻ cần duy trì thuốc trợ tim, vận mạch. Đặc biệt, có 2 trường hợp trẻ tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, 1 cháu tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương), sinh con tự nhiên là phương pháp sinh lý và tốt nhất cho mẹ và thai. Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp mẹ có bệnh lý và thai không cho phép đẻ thường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng mổ đẻ khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ sinh đẹp trở nên phổ biến. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cả sản phụ và trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ sau sinh mổ chủ động. (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương).

Trẻ chào đời bằng phương pháp sinh mổ chủ động thường gặp các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh như dễ bị mắc các vấn đề về hô hấp sau sinh, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, sự chuyển dạ của mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hormone giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hormone cần thiết nên thường yếu hơn những trẻ sinh thường.

Cùng với đó, sản phụ sinh mổ chủ động sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vết thương mổ đẻ, trong tử cung hoặc trong cơ quan vùng chậu khác như bàng quang, ruột. Điều này chính là nguyên nhân khiến thời gian các sản phụ sinh mổ chủ động phải nằm viện lâu hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác và các nguy cơ xấu trong lần mang thai tiếp theo.

Đặc biệt, với sản phụ sinh mổ chủ động, nguy cơ vô sinh thứ phát, mang thai ngoài tử cung và sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân trong những lần mang thai tiếp theo tăng cao hơn. Tác hại này chính là những biến chứng khó lường của việc sinh mổ chủ động.

Đồng thời, sản phụ sinh mổ cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng của các loại thuốc khác nhau. Các thuốc gây mê, kháng sinh và các loại thuốc tiêm vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật mổ lấy thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và nguồn sữa cung cấp cho cơ thể bé.

Được biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai chỉ nên từ 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con. Song thực tế cho thấy, tỷ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Với những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa cả sản phụ và trẻ sơ sinh, thiết nghĩ, trước khi chọn ngày, giờ sinh mổ, sản phụ và người thân cần tìm hiểu kỹ những lợi ích và tác hại của nó, lắng nghe tư vấn của bác sĩ. Để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do sinh mổ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc. Bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh mổ trong trường hợp thai quá to, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường hay dị tật về cơ thể, mang thai nhiều bé cùng một lúc, trẻ bị tràng hoa quấn cổ có nguy cơ tử vong, thai ngược…

Mong muốn con trẻ có được tương lai tốt đẹp, cuộc sống tươi sáng là mong muốn chính đáng của mỗi bậc phụ huynh. Song tương lai đó chỉ có thể có được trên cơ sở nền tảng giáo dục, sự quan tâm chăm lo của gia đình, xã hội, chứ không phải từ việc sinh mổ chủ động để lựa chọn giờ sinh, ngày sinh “đẹp” theo quan niệm của một số người./.