Có một nghịch lý là chương trình “Táo quân” ngày càng bị chê nhạt, thiếu sâu sắc nhưng giá quảng cáo trong chương trình này năm nào cũng cao chót vót.

Cùng “soi” bảng giá quảng cáo trong chương trình Táo quân những năm qua để thấy sức hút của show truyền hình đình đám mỗi năm chỉ có một lần này.

“Táo quân 2024”: Một phút quảng cáo gần 1,3 tỷ đồng

Trước khi Táo quân 2024 lên sóng, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam công bố bảng giá quảng cáo trong chương trình. Theo đó, thời lượng quảng cáo được ấn định lần lượt là: 10 giây giá 322,750 triệu đồng; 15 giây giá 378,300 triệu đồng; 20 giây giá 484,125 triệu đồng và 30 giây giá 645,500 triệu đồng.

Như vậy, thương hiệu nào muốn xuất hiện khoảng 1 phút trong chương trình Táo quân 2024 sẽ phải chi gần 1,3 tỷ đồng. Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
"Táo quân 2024" thay gần hết dàn diễn viên đã quan thuộc với khán giả truyền hình hơn mấy chục năm qua.

“Táo quân 2024” thay gần hết dàn diễn viên đã quan thuộc với khán giả truyền hình hơn mấy chục năm qua.

Sau khi chương trình Táo quân 2024 lên sóng, theo đánh giá của một công ty quảng cáo, không có thương hiệu nào sử dụng các gói quảng cáo 10 giây hoặc 20 giây. Thay vào đó, họ tập trung lựa chọn các gói quảng cáo có thời lượng 5 giây, 15 giây và 30 giây.

Cũng theo công ty trên, nhiều khả năng Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) sẽ duy trì mức giá ổn định này cho Táo quân 2025.

Táo quân 2024 lần đầu tiên có sự tham gia của rất nhiều các gương mặt mới. Diễn viên Tú Oanh vào vao Táo Văn Thể, NSƯT Bá Anh đảm nhận vai Táo Giao thông, NSƯT Quốc Quân thể hiện vai Táo Kinh tế, diễn viên 9x Đỗ Duy Nam đóng Nam Tào… Chỉ có NSƯT Quốc Khánh vẫn tiếp tục đảm nhận vai Ngọc Hoàng như nhiều năm trước.

Dù các nghệ sỹ và ê-kíp sản xuất đã rất nỗ lực nhưng Táo quân 2024 vẫn bị đánh giá là thiếu hấp dẫn, kịch bản nhạt nhẽo, nội dung lan man. Ngoài ra, chương trình còn bị chỉ trích là lồng ghép quảng cáo quá nhiều, kém duyên và khiên cưỡng.

“Táo quân 2023”: Hơn 600 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo

Theo bảng giá quảng cáo ở Táo quân 2023 do TVAd công bố, các nhãn hàng muốn xuất hiện trong buổi phát sóng với thời lượng 10 giây sẽ phải chi trả 322.750.000 đồng; 15 giây là 387.300.000 đồng; 20 giây là 484.125.000 đồng và 30 giây là 645.500.000 đồng, bằng mức giá năm 2024.

Táo quân 2023 đánh dấu 20 năm đồng hành với khán giả trong đêm Giao thừa. Chương trình được dàn dựng theo kịch bản một cuộc thi sắc đẹp, quy tụ những gương mặt nghệ sỹ đã gắn bó gần 2 thập kỷ qua như: NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng và nghệ sĩ Vân Dung… NSND Công Lý dù chưa bình phục sau bạo bệnh nhưng vẫn cố gắng xuất hiện trên sân khấu.
NSND Công Lý cố gắng có mặt trong chương trình "Táo quân 2023".

NSND Công Lý cố gắng có mặt trong chương trình “Táo quân 2023”.

Dù vẫn mang thông điệp phê phán các vấn đề tiêu cực, nổi cộm trong xã hội qua tiếng cười trào phúng, Táo quân 2023 không được đánh giá cao. Nhiều người nhận xét, chương trình đang đuối về mặt nội dung, không còn sáng tạo, mới mẻ, nhiều mảng miếng hài nhạt, nhảm. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, đã đến lúc dừng sản xuất chương trình này.

Quảng cáo trong “Táo quân 2022”: Hơn 650 triệu đồng cho 30 giây

Vào năm 2022, các nhãn hàng muốn xuất hiện trong buổi phát sóng Táo quân phải trả 650 triệu đồng cho quảng cáo 30 giây, 487,5 triệu cho 20 giây, 390 triệu cho 15 giây và 325 triệu đồng cho 10 giây quảng cáo.
Duy Nam - Trung Ruồi đóng Bắc Đầu - Nam Tào trong Táo quân 2022.

Duy Nam – Trung Ruồi đóng Bắc Đầu – Nam Tào trong Táo quân 2022.

Điểm mới của Táo quân 2022 là sự xuất hiện của Nam Tào – Bắc Đẩu mới do Duy Nam và Trung Ruồi đảm vai. Chương trình đã rất nỗ lực khi đề cập nhiều vấn đề nổi cộm của đời sống dân sinh năm đó như: Phòng dịch COVID-19, ngoáy mũi, test PCR, giãn cách, phong tỏa, cách ly, giấy đi đường, bánh mỹ không phải thực phẩm thiết yếu, học online, vấn nạn sống ảo của giới trẻ, minh bạch và sao kê, rác mạng, phiếu đi chợ chẵn – lẻ, ôm đất bỏ cọc, F0 chứng khoán, ba tại chỗ…

Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn đánh giá Táo quân 2022 khá nhạt nhẽo. Nhiều người nói, họ có cảm giác biên kịch và đạo diễn đang cố nhét vào miệng diễn viên nhiều lời thoại sáo rỗng mà thiếu đi chiêu trò đắt giá. Các diễn viên đi theo lối diễn quen thuộc, không tạo ra được nét mới và cạn kiệt chiêu trò để tạo tiếng cười thú vị.

Một điểm khác gây ức chế cho khán giả Táo quân 2022 là chương trình cài cắm quá nhiều quảng cáo. Phần quảng cáo liên tục xuất hiện làm đứt đoạn cảm xúc của người xem.

“Táo quân 2021”: 10 giây quảng cáo giá 325 triệu đồng

Chương trình trở lại sau một năm dừng sản xuất (năm 2020) nên được rất nhiều khán giả mong chờ. TVAd công bố bảng đơn giá quảng cáo, theo đó khung thời gian 30 giây có giá 650 triệu đồng. Nếu xuất hiện với thời gian ngắn hơn là 10, 15 đến 20 giây, số tiền tương ứng mà nhãn hàng phải chi lần lượt là 325 triệu, 390 triệu và 487,5 triệu đồng.

Táo quân 2021 xoay quanh câu chuyện cả xã hội cùng nhau phòng chống dịch COVID-19, đề cập đến những vấn đề nổi cộm như nâng giá thiết bị y tế, bệnh nhân số 17, lùm xùm sách giáo khoa, tin giả tràn lan…

Chương trình được đánh giá là tương đối cuốn hút nhưng không thực sự xuất sắc, chưa đưa lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái như mong đợi.
Táo quân 2021.

Táo quân 2021.

“Táo quân 2019”: Giá 530 triệu đồng cho 30 giây

Năm 2019, chi phí để nhãn hàng xuất hiện trong Táo quân là 265 triệu (10 giây), 318 triệu (15 giây), 397 triệu (20 giây) và 530 triệu đồng (30 giây).

Đây có lẽ là một trong những chương trình Táo quân bị “ném đá” dữ dội nhất vì chất lượng. Thêm vào đó, nhiều khán giả bức xúc khi Táo quân 2019 đề cập tới ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Họ cho rằng, câu chuyện của “ông vua cà phê” mang tính cá nhân, không phải là một sự kiện có tầm ảnh hưởng đến đất nước và không nên được khai thác theo kiểu công kích như thế.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VTC News, biên kịch Chu Thơm gay gắt nói: “Ông Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ là ông chủ của một thương hiệu cafe lớn, không chỉ nổi danh trong nước mà còn trên thế giới. Nếu nói không quá, ông ấy còn là một trong những niềm tự hào của người Việt.

Hiện tại, ông Vũ đang gặp phải nhiều vấn đề. Đem vấn đề riêng của một cá nhân ra để giễu nhại, mua vui, hạ nhục là một sự độc ác. Hơn nữa, những vấn đề đó đều là chuyện cá nhân của ông Vũ. Nó không ảnh hưởng nhiều hay xấu tới xã hội, vậy thì há cớ gì Táo quân 2019 lại đưa ông ấy ra để mua vui?”.

Phần quảng cáo cũng bị chỉ trích dữ dội. Có khán giả thống kê, cứ sau 30 phút phát sóng lại có 5 phút quảng cáo. Trong suốt chương trình, dàn Táo liên tục nhắc tên các thương hiệu. Có khán giả chua chát nói, không biết họ đang xem một chương trình Táo quân liên tục bị làm phiền bởi quảng cáo, hay đang xem một chương trình quảng cáo có chèn Táo quân.
Táo quân 2019 bị chỉ trích dữ dội khi mang ông Đăng Lê Nguyên Vũ ra làm trò cười.

Táo quân 2019 bị chỉ trích dữ dội khi mang ông Đăng Lê Nguyên Vũ ra làm trò cười.

Táo quân là một chương trình lớn của VTV, gắn liền với Tết trong ký ức của rất nhiều người. Trong những năm trở lại đây, chương trình luôn bị chỉ trích nặng nề về chất lượng nghệ thuật.  Dù vậy, đây vẫn là show truyền hình có mức giá quảng cáo cao nhất, vượt trội hẳn so với các show khác.

Lý do là chương trình kéo dài trong đêm 30 Tết, được phát sóng trên tất cả các kênh của VTV. Trong thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhà nhà, người người đều quây quần xem Táo quân. Do đó, dù phải trả một mức giá cao, nhiều nhãn hàng vẫn mong muốn được xuất hiện trong chương trình.

Những bản nhạc chế trong Táo quân.