Gia súc thả rông trên đường khiến gây tai nạn giao thông, trường hợp hậu quả chết người xảy ra, ở trường hợp này người điều khiển phương tiện có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Ở nhiều địa phương, tình trạng thả rông gia súc, động vật nuôi trong nhà không được quản lý chặt chẽ dẫn đến cản trở giao thông, nghiêm trọng hơn có thể gây tai nạn cho những người đi đường. Vậy gây tai nạn do động vật cản đường, ai là người chịu trách nhiệm? Mức xử phạt hành chính và mức truy cứu hình sự?

Gây tai nạn giao thông do súc vật cản đường, ai là người chịu trách nhiệm?

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về việc dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ như sau:

1. Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.

2. Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Thêm vào đó, tại điểm c, khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hành vi thả rông súc vật trên đường bộ là một trong những hành vi không được thực hiện.

Gây tai nạn giao thông do động vật cản đường, vi phạm luật giao thông

Ở nhiều địa phương, tình trạng thả rông gia súc, động vật dẫn đến cản trở giao thông, nghiêm trọng hơn có thể gây tai nạn cho những người đi đường. (Ảnh minh họa)

Hành vi thả rông gia súc gây tai nạn được quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 về các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra:

– Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

– Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại;

– Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại;

– Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Như vậy, có 04 trường hợp phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, đối tượng chịu phạt được chia ra thành 03 đối tượng tùy vào từng trường hợp, bao gồm: Chủ sở hữu của súc vật; người thứ ba hoàn toàn có lỗi hoặc người chiếm hữu, sử dụng súc vật.

Mức xử phạt hành chính và mức truy cứu hình sự trong trường hợp tai nạn do súc vật gây ra?

Tai nạn do súc vật gây ra tùy vào từng trường hợp đã nêu ở trên mà đối tượng chịu trách nhiệm có thể bị xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường thiệt hại dân sự.

Gây tai nạn giao thông do động vật cản đường, vi phạm luật giao thông

(Ảnh minh họa)

Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ có thể bị phạt từ 60.000 đồng đến 600.000 đồng;

Ngoài ra, căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Thêm vào đó, chủ sở hữu/người chiếm hữu, sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Bồi thường thiệt hại dân sự:

Đối tượng bị xâm phạm là tài sản, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm hay tính mạng sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, hành vi thả rông gia súc, súc vật gây nên tai nạn, cản trở giao thông của người khác, đối tượng chịu trách nhiệm tùy vào từng trường hợp không chỉ chịu mức xử phạt hành chính hay bồi thường thiệt hại trách nhiệm dân sự, mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây chết người.