Từ 1/1/2025, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao.

Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đã tăng rất cao mức phạt đối với các hành vi, nhóm hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn; đặc biệt nếu xảy ra trên đường cao tốc.

Từ ngày 1/1/2025, ô tô vượt đèn đỏ bị phạt tới 20 triệu đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Tây Ninh).

Trong đó, hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông như vượt đèn đỏ được nâng mức phạt đối với ô tô từ 4 – 6 triệu đồng lên 18 – 20 triệu đồng. Tương tự, xe máy vi phạm hành vi này cũng bị phạt từ 800.000 – 1 triệu đồng lên 4 – 6 triệu đồng.

Nghị định 168 cũng tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên cao tốc. Lùi hoặc quay đầu xe trên cao tốc là một trong những vi phạm có mức phạt cao nhất, từ 30 – 40 triệu đồng, tăng cao so với mức 16 – 18 triệu đồng trước đây. Các hành vi như dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định trên cao tốc cũng bị tăng mức phạt từ 10 – 12 triệu đồng lên 12 – 14 triệu đồng.

Nghị định còn điều chỉnh mức phạt đối với một loạt hành vi thường xuyên xảy ra do thiếu ý thức như: Hành vi vận chuyển hàng hóa không chằng buộc đúng quy định, từng bị phạt 600.000 – 800.000 đồng, nay tăng lên 18 – 22 triệu đồng. Chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ, xe lăn hoặc xe thô sơ bị nâng mức phạt từ 300.000 – 400.000 đồng lên 4 – 6 triệu đồng.

Đối với các trường hợp điều khiển ô tô không giảm tốc độ hoặc nhường đường khi từ đường nhánh ra đường chính, mức phạt cũng tăng từ 800.000 – 1 triệu đồng lên 4 – 6 triệu đồng. Các hành vi thiếu ý thức như sử dụng điện thoại khi lái xe cũng được siết chặt với mức phạt đối với ô tô tăng từ 2 – 3 triệu đồng lên 4 – 6 triệu đồng. Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng bị nâng mức phạt từ 4 – 6 triệu đồng lên 35 – 37 triệu đồng, cho thấy quyết tâm xử lý các trường hợp cố tình chống đối.

Nghị định mới được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra như hạ tầng giao thông phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy… Ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến.

Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, việc tăng mức xử phạt để kiềm chế tai nạn giao thông.