Một nút giao tại quận Ninh Kiều có đèn vàng nhấp nháy khoảng 30 phút, nhiều tài xế không dám di chuyển tiếp vì sợ mức phạt nặng.

Trưa 8.1, tại nút giao đường 30 Tháng 4 với đường Đề Thám (thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), tín hiệu đèn vàng nhấp nháy liên tục trong thời gian dài, thay vì chuyển sang đèn đỏ theo quy trình thông thường.

Quan sát thấy, nhiều người tham gia giao thông, nhất là các tài xế ô tô, chỉ biết dừng lại đợi mà không dám di chuyển tiếp, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường.

Các tài xế không dám di chuyển khi tín hiệu đèn vàng nhấp nháy kéo dài. Ảnh: Tạ QuangCác tài xế không dám di chuyển khi tín hiệu đèn vàng nhấp nháy kéo dài. Ảnh: Tạ Quang
Chia sẻ với Lao Động, anh Từ Văn Hải (tài xế tại TP Cần Thơ) cho biết, bình thường hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao này vẫn có đèn xanh và đèn đỏ, nhưng không hiểu tại sao hiện tại chỉ có đèn vàng nhấp nháy, khiến anh không dám vượt.

“Tôi thà dừng xe lại, kẹt xe cũng phải chịu, bởi vì lương tài xế chỉ từ 6 – 7 triệu đồng/tháng, trong khi vượt đèn vàng sẽ bị phạt từ 18 – 20 triệu đồng. Tôi không đủ khả năng để đóng phạt, hơn nữa còn bị trừ điểm trên bằng lái nên rất căng”, anh Hải nói.


Ảnh: Tạ QuangAnh Văn Hải không dám vượt đèn vàng vì sợ mức phạt nặng. Ảnh: Tạ Quang
Tương tự, anh Huỳnh Tấn (tài xế tại TP Cần Thơ) chia sẻ, anh rất lo sợ từ khi có mức phạt vi phạm giao thông mới, cộng thêm việc lắp camera phạt nguội trên các tuyến đường. Nếu bây giờ anh vượt đèn vàng thì sẽ bị phạt, biết bản thân không đủ khả năng đóng phạt nên anh phải dừng xe đúng quy định.

Một số tài xế khác cho rằng, với mức phạt như hiện nay, người tham gia giao thông rất lo ngại và áp lực, dẫu biết nếu chạy đúng thì không bị phạt, nhưng họ cũng không biết được bản thân lỡ vi phạm luật giao thông lúc nào.
Ảnh: Tạ QuangĐoạn đường bị ùn tắc cục bộ. Ảnh: Tạ Quang

Theo chia sẻ của người dân nơi đây, tình trạng tín hiệu đèn vàng nhấp nháy kéo dài khoảng 30 phút, từ đó tạo tâm lý bất an cho người tham gia giao thông, đặc biệt là khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đang được thực thi nghiêm ngặt.

Anh Nguyễn Phi Thoàng (người dân làm việc gần nút giao này) cho hay, vừa rồi có một xe ô tô bên ngân hàng, khi đèn vàng kéo dài quá lâu, họ phải gọi cho nhân viên tại ngân hàng tới để áp tải tiền về bằng xe gắn máy chứ không dám vượt đèn vàng.
Anh Phi Thoàng cho rằng, dù đèn vàng kéo dài khoảng 30 phút nhưng người dân chấp hành luật giao thông rất tốt. Ảnh: Tạ QuangAnh Phi Thoàng cho rằng, dù đèn vàng kéo dài khoảng 30 phút nhưng người dân chấp hành luật giao thông rất tốt. Ảnh: Tạ Quang
“Mặc dù việc áp tải tiền về bằng xe gắn máy rất nguy hiểm, nhưng họ vẫn lựa chọn cách xử lý này, bởi vì họ quá sợ mức phạt, đồng thời thể hiện việc chấp hành nghiêm quy tắc giao thông đường bộ”, anh Thoàng nói thêm.

Song, theo anh Thoàng, đối với những trường hợp đèn tín hiệu như thế này, lực lượng chức năng cần phải đến hiện trường để điều tiết giao thông, hoặc xử lý lại hệ thống đèn tín hiệu cho phù hợp, tránh gây hoang mang cho người dân cũng như ùn tắc giao thông cục bộ.

Có thể thấy, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tác động mạnh đến tâm lý của người tham gia giao thông, họ ý thức hơn về hành vi của mình. Việc chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đặc biệt là đèn vàng, đã trở thành một hành động tự giác, nhằm tránh những rủi ro về tài chính và pháp lý.

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt lỗi vượt đèn vàng áp dụng từ ngày 1.1.2025 đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô, phạt tiền từ 18 – 20 triệu đồng và trừ điểm giấy phép lái xe 4 điểm.

Trường hợp vượt đèn vàng và gây tai nạn thì bị phạt tiền từ 20 – 22 triệu đồng, trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.