Theo quy định, có 9 trường hợp sau bắt buộc phải đổi Giấy phép lái xe trong năm 2024, ai cũng nên lưu ý.

Những trường hợp nào bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe?

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, những trường hợp khi tham gia giao thông bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe ô tô gồm:

+ Người có giấy phép lái xe có thời hạn thực hiện việc đổi giấy phép lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng.

+ Người có giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng.

+ Người có giấy phép lái xe hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe được xét đổi giấy phép lái xe từ hạn D trở xuống (nếu đủ điều kiện sức khỏe).

+ Người có năm sinh, họ, tên, tên đệm ghi trên giấy phép lái xe có sai lệch với giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

+ Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam, có giấy chứng minh thư ngoại giao, giấy chứng minh thư công vụ, thẻ tạm trú, thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ thường trú với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.

+ Khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.

+ Người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp giấy phép lái xe quốc gia, còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.

+ Người Việt Nam, người nước ngoài định cư lâu dài ở Việt Nam đã có giấy phép lái xe Việt Nam đổi từ giấy phép lái xe nước ngoài, khi hết hạn nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe.

+ Người có giấy phép lái xe hạng FD, FE do ngành Giao thông vận tải cấp lần đầu trước ngày 1/7/2009, nếu có nhu cầu điều khiển xe ô tô tải kéo rơ moóc hoặc xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc được đổi bổ sung hạng FC.

Cũng theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, giấy phép lái xe cũng có thể đổi theo yêu cầu của người lái xe.

+ Đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET.

+ Người có giấy phép lái xe quân sự còn thời hạn sử dụng khi thôi phục vụ trong quân đội (phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp quốc phòng…), nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe.

+ Người có giấy phép lái xe do ngành Công an cấp sau ngày 31/7/1995, còn thời hạn sử dụng, khi thôi không tiếp tục phục vụ trong ngành Công an (xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động trong Công an nhân dân), nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe.

+ Người có nhu cầu tích hợp giấy phép lái xe.
9 trường hợp bắt buộc phải đổi Giấy phép lái xe

9 trường hợp bắt buộc phải đổi Giấy phép lái xe

Các hạng giấy phép lái xe cần phải đổi

Theo quy định một số loại giấy phép lái xe có giá trị sử dụng là vô thời hạn, bên cạnh đó có một số loại giấy phép lái xe lại có thời hạn sử dụng nhất định như:

– Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

– Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Do đó, những người có giấy phép lái xe hàng A4, B2 được cấp vào tháng 1/2014 thì sẽ phải đi đổi giấy phép lái xe trước thời tháng 1/2024.

Với người có giấy phép lái xe hàng C, D, E, FB2, FC, FR được cấp từ tháng 1/2019 thì trước tháng 1/2024 cũng cần phải đi đổi lại giấy phép lái xe để có thể đủ điều kiện tham giao lưu thông trên đường bằng các phương tiện giao thông.

Những trường hợp nào bắt buộc phải thi lại giấy phép lái xe?

– Trường hợp bị mất giấy phép lái xe lần thứ 2 và trong vòng 2 năm kể từ lần cấp của lần mất thứ nhất. Trong trường hợp này thì người dân sẽ phải tham gia thi lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.

– Với những trường hợp bị mất bằng lái xe lần thứ 3 trong vòng 2 năm thì bắt buộc phải thi lại 2 phần đó là lý thuyết và thực hành để được cấp lại giấy phép lái xe mới.

– Với những trường hợp bằng lái xe đã quá hạn từ 3 tháng đến 1 năm, thì phải thi lại lý thuyết.

– Với những trường hợp bằng lái xe quá hạn 1 năm thì phải thi cả lý thuyết và thực hành mới được cấp lại giấy phép lái xe mới theo quy định.

Những hạng giấy phép lái xe nào phải thi nâng hạng từ 1/1/2025?

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 (Điều 60, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024): “Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng theo các điều kiện quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này”.

Như vậy, có 10 hạng giấy phép lái xe phải thi nâng hạng từ thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/1/2025 bao gồm: C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE.

Đối chiếu với Khoản 3 Điều luật này quy định, việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe (GPLX) thực hiện đối với những đối tượng sau:

Nâng hạng GPLX từ hạng B lên hạng C1 hoặc lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2;

Nâng hạng GPLX từ hạng C1 lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2;

Nâng hạng GPLX từ hạng C lên hạng D1 hoặc lên hạng D2 hoặc lên hạng D;

Nâng hạng GPLX từ hạng D1 lên hạng D2 hoặc lên hạng D;

Nâng hạng GPLX từ hạng D2 lên hạng D;

Nâng hạng GPLX từ hạng B lên hạng BE, từ hạng C1 lên hạng C1E, từ hạng C lên hạng CE, từ hạng D1 lên hạng D1E, từ hạng D2 lên hạng D2E, từ hạng D lên hạng DE.

Bên cạnh đó, người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX khi GPLX còn hiệu lực, phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.

Đối với việc nâng hạng GPLX lên hạng D1, D2, D thì người có nhu cầu được đào tạo còn phải có trình độ từ trung học cơ sở trở lên.