Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết nhiều người mới chỉ so sánh về mức tiền mà chưa so sánh các mức xử phạt khác đối với hành vi vượt đèn đỏ.

Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Nghị định này nâng mức xử phạt với nhiều hành vi phạm giao thông, trong đó có hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ). Theo đó, người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ bị phạt 18 – 20 triệu đồng, xe máy 4 – 6 triệu đồng, đồng thời trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc phạt nặng để tạo sức răn đe, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng phạt như vậy là quá cao so với trước đây; thậm chí có người còn so sánh với mức phạt vượt đèn đỏ của nước ngoài.

Ở nước ngoài người vi phạm có thể bị phạt tù đối với hành vi vượt đèn đỏ. Ảnh PHI HÙNG

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT – C08, Bộ Công an) cho hay, các hành vi vi phạm giao thông, bao gồm vượt đèn đỏ là cực kỳ nguy hiểm, diễn ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Đại tá Nhật dẫn chứng, cuối năm 2024, một đoạn video ghi lại cảnh 164 phương tiện vượt đèn đỏ chỉ trong khoảng thời gian 2 phút tại khu vực ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, TP Hà Nội. Những người vi phạm chủ yếu điều khiển phương tiện là xe máy, xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện… Với thực trạng như vậy, việc nâng mức xử phạt là cần thiết.

Đại diện Cục CSGT cũng cho hay, nhiều người mới chỉ so sánh về mức tiền mà chưa so sánh các mức xử phạt khác đối với hành vi vượt đèn đỏ.

Điển hình như ở bang Alabama (Mỹ), mức phạt tiền đối với hành vi này là 500 USD (12,7 triệu) và 3 tháng tù. Hay tại bang Arkansas, Oklahoma…, ngoài phạt tiền và trừ điểm giấy phép lái xe, người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 6 tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam, mức phạt cao nhất với ô tô là 20 triệu đồng. Do vậy, việc thực hiện pháp luật cần dựa vào tính chất, điều kiện của mỗi quốc gia.

“Chúng ta đang cần lập lại trật tự mới trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng kỷ cương. Với những hành vi tái phạm lạng lách, đánh võng thì đó là những hành vi càn quấy, nguy hiểm, cần ngăn chặn kịp thời”, ông Nhật nói.

Trước băn khoăn cho rằng mức phạt tại Nghị định 168 quá cao, cao hơn cả giá trị chiếc xe đang đi, điều này sẽ dẫn đến ý định bỏ lại xe, không nộp phạt của một số người vi phạm? Ông Nhật cho hay, thời gian qua, khi nâng mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn, nhiều người vi phạm không đến giải quyết, khiến các bãi giữ xe vi phạm rơi vào tình trạng quá tải.

Để xử lý vấn đề này, khi đủ thời gian theo quy định, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập hội đồng sung công, bán thanh lý phương tiện, nộp tiền vào ngân sách.

Mặt khác, khi người điều khiển phương tiện bị tạm giữ giấy phép lái xe mà không đến xử lý thì sẽ không được cấp đổi, không có giấy phép lái xe đồng nghĩa không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.

Sau một tuần thực hiện Nghị định 168/2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý trên 92.000 trường hợp vi phạm TTATGT.

Trong số đó, trung bình có khoảng 2.300-2.500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu là 350-380 trường hợp/ngày.

Đại diện Cục CSGT cho hay việc tăng mức xử phạt nhằm răn đe những người tham gia giao thông có ý thức kém, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng hình ảnh văn minh đô thị.

Hiện Cục CSGT đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát khắc phục điểm đen, điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, biển báo… để nâng cao chỉ số an toàn cho người dân.