Quê tôi có phong tục mừng cưới bằng vàng. Trong khi tôi có nguy cơ không thể ‘thu hồi vốn’.

Tôi năm nay 35 tuổi, chưa chồng, cũng chưa có người yêu. Bạn bè cùng trang lứa, anh em họ hàng, ai cũng lần lượt lấy vợ lấy chồng. Từ ngày ra trường tới giờ, tôi đã dự không biết bao nhiêu cái đám cưới.

Những năm gần đây, điều khiến tôi ngán ngẩm và áp lực nhất không phải là câu hỏi “bao giờ lấy chồng”, mà là khoản tiền mừng mỗi mùa cưới.

Ở quê tôi – một tỉnh miền Trung, mọi người vẫn có phong tục tặng vàng cho người trong gia đình, anh em họ – thường là 1-2 chỉ tùy theo mối quan hệ.

Thực ra, rồi số vàng cũng sẽ được “trả lại” khi đến lượt mình cưới, coi như một cách góp vốn cho cô dâu, chú rể bước vào cuộc sống hôn nhân.

Nhưng ở tuổi này, tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện sống độc thân. Đồng nghĩa với việc tôi gần như không có cơ hội nhận lại số vàng đã mừng cưới lên tới vài cây trong mười mấy năm qua.

Và quan trọng hơn, với giá vàng cao chót vót như hiện tại, việc mừng cưới 1 chỉ vàng khiến tôi điêu đứng mỗi mùa cưới.

Mỗi đám, theo thông lệ, tôi phải mừng ít nhất 1 chỉ vàng, có khi 2 chỉ nếu là con cháu gần gũi hơn. Mỗi đám cưới như vậy sẽ đi tong vài ba tháng tiền tiết kiệm của tôi.dam cuoi.jpg

Khoản tiền mừng cưới thực sự là một gánh nặng với tôi. Ảnh minh họa: Pexels
Tôi biết, phong tục mừng cưới bằng vàng cũng mang lại nhiều lợi ích cho đôi trẻ. Anh trai, chị gái tôi đều từng nhờ số vàng ấy mà mua được nhà, đất ở quê để ra ở riêng ngay sau khi cưới.

Nhưng ở góc độ cá nhân, tôi không thể không nghĩ đến tương lai của mình. Tôi chưa có người yêu và cũng không chắc có lấy chồng hay không. Nếu sau này tôi không làm đám cưới, nghĩa là những gì tôi đã “đầu tư” sẽ chẳng bao giờ được nhận lại.

Tôi từng nghĩ đến việc giảm số vàng mừng cưới xuống, hoặc chuyển sang tiền mặt như đã mừng cưới bạn bè, nhiều nhất chỉ tốn 1-2 triệu mỗi đám.

Nhưng tôi cũng biết rằng, ở quê, những thay đổi như thế sẽ không dễ dàng được chấp nhận. Người ta sẽ bàn tán, đánh giá về tôi và gia đình.

Có lần, tôi bày tỏ suy nghĩ của mình với mẹ thì bị mắng ngay. “Xưa nay đều thế, giờ con bỏ phong bì 1-2 triệu thì bố mẹ cũng muối mặt”, mẹ tôi bảo.

Chuyện không có gì thay đổi cho đến một hôm tôi gặp tai nạn khi đang trên đường đi làm về. Hôm đó, công ty nhiều việc nên tôi phải ở lại muộn hơn bình thường.

Chiếc xe máy phóng nhanh từ ngõ ra đâm thẳng vào tôi, khiến tôi ngất lịm. Khi tỉnh lại, tôi thấy 2 người lạ đang đưa mình vào bệnh viện trên chiếc taxi. Thấy tôi tỉnh, họ mừng quá, vội xin số điện thoại người nhà.

Trong khi bố mẹ tôi vội bắt taxi từ quê ra, họ đi làm thủ tục cho tôi cấp cứu. Lúc này, tôi đã khá tỉnh táo. Đến khi phải ứng trước viện phí, họ hỏi tôi có 20 triệu tiền mặt hay tiền trong tài khoản không thì tôi mới ngớ người.

Tôi chưa bao giờ có được 20 triệu trong người đề phòng bất trắc. Toàn bộ tiền tiết kiệm của tôi chỉ có khoảng 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm, và không phải muốn rút là rút ngay được.

Tôi tủi thân, buồn bã khi đối diện với sự nghèo của mình ở tuổi 35. Trong khi người ta đã có nhà, có xe, có bao nhiêu tài sản tích lũy thì tôi gần như chẳng có gì trong tay.

Vậy mà tôi vẫn còn phải giữ sĩ diện vì những phong tục không phù hợp với khả năng tài chính của mình hay sao?

Cũng may hôm đó, 2 người lạ tốt bụng đã gom tiền để nộp viện phí giúp tôi, đợi đến sáng hôm sau bố mẹ tôi ở quê ra mới chuyển trả lại họ.

Từ sau hôm đó, tôi quyết định sẽ học cách sống vì mình trước. Những đám cưới sau này, kể cả là người trong nhà, tôi cũng chỉ mừng 1 triệu đồng mặc kệ ai nói gì.