Khi thấy rõ được thái độ ‘trọng nam khinh nữ’ của nhà chồng, cô con dâu đã muốn bỏ về nhà mẹ đẻ ngay lập tức.

Với sự thay đổi quan điểm về cuộc sống, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc không muốn có em bé sớm nhưng vẫn bị các bậc trưởng bối ép sinh con. Mới đây, một cô gái đã làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội khi chia sẻ câu chuyện của mình.

Cô dâu mới cưới cho biết, chỉ sau vài ngày làm đám cưới nhà chồng cô đã không giấu được niềm khao khát có cháu trai.

“Ngày thứ hai sau đám cưới, tôi cùng chồng đi chơi. Khi quay lại, tôi phát hiện toàn bộ bao cao su trong ngăn kéo phòng tân hôn đều đã biến mất. Chồng tôi thừa nhận chính mẹ chồng đã lấy chúng đi khi vào dọn phòng”, người phụ nữ kể.

Dù biết được sự việc nhưng vì không muốn xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ chồng ngay sau khi cưới nên người phụ nữ đã cố gắng kìm nén cơn tức giận, và cô cũng yêu cầu người chồng phải đặt một hộp bao cao su về vị trí cũ ngay hôm sau.

Cô gái nói với chồng, cô không muốn có con trong hai năm đầu kết hôn vì mối quan hệ hôn nhân chưa ổn định, hơn nữa họ không có nhiều tiền tiết kiệm và cô sợ không chịu nổi áp lực tài chính. Dù sao, hai vợ chồng mới 25 tuổi, nên đặt sự nghiệp lên hàng đầu, nếu sinh con sẽ không thể phấn đấu.

Tưởng rằng mọi việc đều ổn do hai bên đã nói rõ ràng, cô không ngờ mấy ngày sau, người chồng nhắc lại chuyện này, bảo bố mẹ sẽ rút lương hưu ra thưởng nếu họ sớm có con. Nếu sinh con trai, cô sẽ được thưởng 50 nghìn nhân dân tệ (khoảng 167 triệu đồng), còn nếu sinh con gái sẽ được thưởng 20 nghìn nhân dân tệ (khoảng 67 triệu đồng).

Mẹ chồng ra giá nếu đẻ được con trai sẽ thưởng 167 triệu đồng khiến con dâu phẫn nộ. Ảnh minh họa

Mẹ chồng ra giá nếu đẻ được con trai sẽ thưởng 167 triệu đồng khiến con dâu phẫn nộ. Ảnh minh họa

“Nghe vậy, tôi tức giận đến mức muốn nói họ một trận và lập tức bỏ về nhà bố mẹ đẻ”, cô gái kể, cho biết bản thân cảm thấy bị xúc phạm.

Câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng, rất nhiều người khuyên cô ly hôn nếu nhà chồng không thay đổi và chồng hùa theo họ:

– “Bạn thực sự bị coi là một cỗ máy sinh sản”,

– “Ly hôn bây giờ cũng chưa muộn”;

– “Quá cổ hủ khi coi trọng con trai hơn con gái”;

– “Ly hôn đi, nếu không tôi e rằng dù bạn sử dụng biện pháp tránh thai thì vẫn sẽ có thai”;

– “Chuyện này không phải đã được thỏa thuận từ trước khi kết hôn sao?”…

Báo động đỏ tình trạng trọng nam khinh nữ tại Trung Quốc

Cuối tháng 7/2018, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao về những đoạn video clip và bức ảnh về đám cưới của một gia đình. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như 11 cô gái và chàng trai trẻ duy nhất trong ảnh đều là chị em ruột. Bố mẹ họ đã đẻ tới 12 người con, chỉ dừng lại cho tới khi có con trai. Do đông con và nghèo khó nên trừ cậu em út, 11 chị gái không được đi học đầy đủ.

Mới đây, một video về 10 đứa con, trong đó đứa út là con trai, của người đàn ông giấu tên đến từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã khơi dậy cuộc thảo luận về tư tưởng trọng nam khinh nữ ở nước này.

Trong đoạn video, người ta thấy 9 bé gái ăn mặc gọn gàng đứng cùng nhau trong phòng khách, bên cạnh là người mẹ đang bế em trai. Sau đó các em lần lượt giới thiệu về mình.

Hình ảnh về vợ và 10 đứa con của một người đàn ông Trung Quốc. (Nguồn: SCMP/Weibo)

Hình ảnh về vợ và 10 đứa con của một người đàn ông Trung Quốc. (Nguồn: SCMP/Weibo)

Đoạn video này đã thu hút 2,89 triệu lượt xem và 3.930 bình luận trên mạng xã hội Weibo. Một số người cảm thấy ngạc nhiên bởi khung cảnh gia đình đầm ấm trong khi những người khác lại chỉ trích người cha vì ưu ái con trai hơn con gái.

Việc yêu thích sinh con trai hơn con gái đã tồn tại từ lâu ở xã hội Trung Quốc. Tư tưởng trọng nam khinh nữ bắt nguồn từ quan niệm cho rằng chỉ con trai mới có thể nối dõi tông đường và họ tin rằng con trai đỡ đần nhiều hơn cho gia đình so với con gái.

Vào tháng 11/2022, một phụ nữ ở miền Đông Trung Quốc đang mang thai đứa con thứ năm đã khiến mọi người sốc khi tuyên bố chồng cô muốn ly hôn vì nghĩ rằng đứa con tiếp theo của họ sẽ là một cô con gái.

Theo người phụ nữ đang mang thai 8 tháng này, chồng cô đã dọn ra khỏi căn hộ của họ cách đây 3 tháng và từ đó không trả tiền thuê nhà và nói với cô rằng họ nên ly hôn “càng sớm càng tốt,” Jiupai News đưa tin.

“Chồng tôi nói rằng anh ấy muốn ly hôn với tôi vì anh ấy nghĩ hình dáng bụng của tôi cho thấy tôi sẽ lại sinh con gái,” người phụ nữ nói.

Người phụ nữ cho biết cô đồng ý ly hôn vì muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này.

Truyền thống ưa thích sinh con trai hơn con gái của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh trong dân số nước này.

SCMP dẫn số liệu chính thức được công bố vào năm 2021 cho thấy tỷ lệ bé trai so với bé gái ở Trung Quốc là 108,3 bé trai/100 bé gái.

Không chỉ vậy, tỉ lệ sinh của Trung Quốc cũng đang rơi vào vùng nguy hiểm với tổng tỉ suất sinh (TFR) là 1,5, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về việc sinh con từ vài năm trước. Trung Quốc, với dân số đông nhất thế giới, đã rơi vào tình trạng già hóa dân số và xu hướng này khó có thể đảo ngược.

Một bé gái chơi đùa cùng nhiều bé trai trong một trường học ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: China.org

Một bé gái chơi đùa cùng nhiều bé trai trong một trường học ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: China.org

Nhiều nhà nhân khẩu học đã đưa ra các đề xuất để giải quyết vấn đề già hóa dân số và mức sinh thấp ở Trung Quốc như giảm chi phí nuôi dạy con cái, kiểm soát giá nhà đất tăng cao, khuyến khích phụ nữ sinh con, kêu gọi phụ nữ cân bằng tốt hơn giữa gia đình và sự nghiệp.

Tuy nhiên, những giải pháp tưởng như có lợi cho phụ nữ thực ra lại đẩy phụ nữ vào chân tường vì chúng càng tước đi cơ hội bình đẳng của họ trong xã hội. Tâm lý không muốn sinh con của phụ nữ cũng khó có thể thay đổi.

Giới chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng, xã hội nên tôn trọng quyền tự do sinh sản của phụ nữ, đánh giá cao sự tận tâm sinh con của họ và giúp đỡ khi họ bị mắc kẹt trong sự phân biệt đối xử về giới.

Nếu mức sinh thấp là vấn đề xã hội thì việc sinh con không phải là nhiệm vụ chỉ một mình phụ nữ phải gánh vác. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề sinh sản và nhu cầu của họ rất quan trọng. Chúng không chỉ là những con số hoặc chỉ số trong biểu đồ điều tra dân số. Nếu các nhà hoạch định chính sách có thể ghi nhớ nguyên tắc vàng này, thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết.