Hai bác nhà bên cạnh thỉnh thoảng lại đem cho rau quả sạch nhưng tôi vẫn không thấy vui, chị Vân (Hà Nội) chia sẻ.

Gần 8 tháng nay, nhà chị Ngọc Vân, sống ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) phải sống chung với mùi hôi từ vườn nhà hàng xóm, do họ tự ủ phân. Không muốn mất tình nghĩa nên im lặng, nhà chị chưa biết phải xử lý ra sao.

Gia đình tôi sống trong một con ngõ nhỏ gồm các nhà ống liền kề. Trong hẻm chỉ có 10 gia đình nên quan hệ láng giềng khá tốt, người lớn thường xuyên trò chuyện còn trẻ nhỏ cũng gắn bó thân thiết.

hang-xom-trong-rau-san-thuong-nha-toi-hung-du-mui

Nhiều gia đình tự ủ phân tưới có mùi ảnh hưởng tới các nhà xung quanh. Ảnh minh họa: HL.

Cách đây hai năm, gia đình ngay sát nhà tôi bắt đầu trồng rau trên sân thượng. Vườn được bố trí khá quy củ, các hộp nhựa được xếp thẳng, ngay lối. Dù sinh ra ở thành phố nhưng hai vợ chồng bác hàng xóm đều đã nghỉ hưu lại rất chăm chỉ nên vườn cây lên xanh tốt quanh năm. An ninh trong khu tốt nên sân thượng hai nhà liền kề chỉ phân cách bằng hàng rào xây gạch và lắp thêm lưới sắt, cao khoảng 1,5m cho thoáng đãng. Bởi vậy, buổi chiều hàng ngày, vợ chồng tôi và hàng xóm vẫn nhìn sang được sân thượng nhà nhau để trò chuyện.

Nhìn những mảng cây xanh của nhà bên, tôi thấy thích mê và ao ước có thời gian để làm được như vậy.

Đầu năm nay, gia đình hàng xóm quyết định tự ủ phân để bón cho cây thay vì mua các loại phân NPK, chất dinh dưỡng như trước đây. Họ bảo, dù phân hóa học có được cách ly thế nào thì vẫn không thể tốt và an toàn bằng nguồn phân tự hoại. Ngoài ra, những người trồng rau kinh nghiệm cũng nói phân tự ủ sẽ giúp cho rau xanh non.

Lúc nghe kể, tôi cũng ủng hộ nhiệt tình vì quý sự chăm chỉ, không ngại khó của họ. Hai bác cũng là người xởi lởi, những đợt thu hoạch nhiều, thường hái đem tặng vợ chồng tôi và các nhà trong ngõ bó rau, quả mướp.

Hai tháng sau, khi vừa bước chân lên sân thượng, tôi ngửi thấy một mùi hôi khó tả. Tôi nghi có chuột chết ở chỗ nào nên tất tả gọi chồng lên phụ tìm. Chúng tôi soi mọi ngóc ngách mà vẫn không thấy. Đang định xuống nhà thì thấy bác hàng xóm lên chăm cây nhưng lại bịt mặt. Khi tôi hỏi: “Có phải cô bị ốm không mà vẫn lên chăm vườn cho vất vả?”. Hỏi han qua lại một lúc, tôi mới phát hiện ra mùi hôi thối bốc chính là mùi nước bón cho cây chiết ra từ các loại cuộng rau, đầu cá tự ủ.

Một lần khác, khi tôi đang ở trong phòng ngủ lại ngửi thấy mùi gì như đun cám dù trong ngõ không có ai nuôi lợn gà. Một lúc đi tìm hiểu thì tôi biết, hàng xóm mới học thêm cách ủ phân bằng việc đun nóng các phế phẩm từ cá với men phân hủy.

Một lần vui chuyện, tôi góp ý hàng xóm quay lại cách bón phân hóa học nhưng đúng liều lượng cho không khí trên vườn được thoáng đãng, trong lành hơn. Lúc ấy, tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Phân tự ủ có mùi một chút nhưng rau lại an toàn, xanh non ngon ngọt”.

Nhiều tháng trôi qua, tôi vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối từ vườn rau gọn gàng, xanh tốt đó. Những lúc nhận được rau củ biếu, tôi lại thấy ngậm ngùi. Vợ chồng tôi đã lên kế hoạch xây tường ngăn cách sân thượng hai nhà thay cho lưới sắt trước đây dù vẫn ngại ảnh hưởng quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà từ trước tới nay.