Khoa gọi Chinh ra bắt gà để biếu Tết bố mẹ vợ. Nhưng khi nhìn con gà trước mặt, cô tắt ngay nụ cười.

Vợ chồng Khoa – Chinh lấy nhau xong thì không lên thành phố làm việc mà ở quê mở trang trại nuôi gà. Vì số lượng nuôi đến cả nghìn con nên 2 vợ chồng lúc nào cũng bận bịu, đầu tắt mặt tối.

Tuy nhiên, đổi lại, mỗi tháng họ kiếm được hơn 20 triệu tiền lãi. Số tiền này so với mức sống ở quê là dư giả.

Đêm hôm kia, Khoa ngồi tính toán lại tiền lãi cả năm. Do ảnh hưởng của dịch, gà năm nay cũng xuống giá nhưng nói chung vẫn lãi… đậm. Trừ tất cả các khoản chi, họ để ra được gần trăm triệu. Riêng tháng cận Tết này, vợ chồng Khoa thu về hơn 30 triệu.

Khoa đưa hết tiền cho vợ, nhưng cô chẳng vui tí nào. Thấy vợ cả ngày lầm lì không nói, Khoa cũng bực. Đến tối không chịu được nữa, anh quát Chinh để hỏi lý do, bấy giờ chị mới nói: “Quanh năm anh bắt cả nhà tiết kiệm, ăn dè để xẻn. Mang tiếng nhà nuôi cả nghìn con gà mà chẳng bao giờ anh cho vợ con thịt được 1 con. Chỉ có con nào ốm, què quặt không bán được anh mới lôi ra để thịt. Tiền kiếm được thì bắt gửi hết ngân hàng. Mình làm để phục vụ cuộc sống của mình chứ như thế thì làm lụng vất vả làm gì, thà đi ăn mày còn hơn”.

Chồng biếu bố mẹ vợ cặp gà trống mái ăn Tết, nhưng vợ lại đưa anh đơn ly hôn - Ảnh 1.

Nhiều lúc Chinh chán nản khi nghĩ về cuộc sống hôn nhân của mình. (Ảnh minh họa)

Muốn vợ nguôi giận dỗi, Khoa đồng ý số tiền lãi tháng này không gửi ngân hàng nữa mà cho vợ con sắm sửa đón Tết. Nhưng anh giao hẹn chỉ mua những thứ thiết yếu, còn lại phải tiết kiệm. Bao nhiêu năm nay nhà Khoa không mua cây quất, cây đào nào trưng bày, anh bảo nó là hoang phí. Chơi có 3-4 ngày Tết mà bỏ ra hơn 200.000 đồng. Hoa để bàn anh cũng không cho Chinh mua luôn.

Những thứ thiết yếu mà Khoa muốn Chinh mua là cân giò, cân thịt, rau củ ăn mấy ngày Tết. Gà thì nhà đã có, những con nào không mang lại giá trị kinh tế nữa thì thịt vì nuôi cũng tốn công, tốn của.

Chinh chỉ ước nhà mình không nuôi gà. Bởi từ ngày nuôi, cô chưa biết mùi gà ngon là thế nào. Nhưng năm nay chồng cho sắm sửa thế là được rồi. Còn hơn những năm trước chả có gì. Cả nhà kéo sang bố mẹ chồng rồi bố mẹ vợ ăn dầm nằm dề hết Tết rồi về. Cô đến phát ngại lên vì chồng mà không làm gì được.

Sáng sớm nay, Khoa đã ra trang trại. Khi về đến sân, anh lớn tiếng gọi Chinh như kiểu để cho cả xóm nghe thấy: ”Chinh ơi, ra hộ anh nhốt 2 con gà vào lồng, tối mang biếu bố mẹ em này. Năm nay biếu sớm cho ông bà ăn Tết”.

Chinh ở trong nhà nấu bữa sáng, nghe tiếng chồng thì cũng nhanh chóng chạy ra, trong lòng còn vui thầm. Gớm, năm nay anh biết nghĩ cho bố mẹ vợ cơ đấy! Nhưng đến khi nhìn đến đôi gà, cô tắt luôn nụ cười.

Chồng biếu bố mẹ vợ cặp gà trống mái ăn Tết, nhưng vợ lại đưa anh đơn ly hôn - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Đó là mấy con gà đang ốm dở cả tuần nay. Nhìn chúng gầy giơ xương, mắt nhắm lại, đứng còn không vững, ngật ngưỡng như say. Hôm nọ Khoa bảo cô làm thịt nhưng Chinh còn ngại không muốn làm. Bởi những con gà này tiêm thuốc rồi ăn không ngon. Ấy thế mà giờ anh lại nói rằng đem biếu bố mẹ vợ. Không biếu thì thôi, đã biếu thì phải chọn con gà tử tế chứ?

Chinh thở dài nói với chồng: ”Có bao nhiêu gà ngon sao anh lại bắt cho bố mẹ mấy con gà ốm này, mang tiếng ra. Mà mẹ đã ở nhà mình 1 năm không công để bế cháu, trông coi nhà cửa cho chúng mình. Anh không trả công bà thì cũng phải biết mà đền ơn mẹ đúng nghĩa chứ?”.

Nhưng Khoa cứ cãi ngang rằng những con gà này thịt ăn vẫn ngon chán. Bằng chứng là nhà vẫn thịt bao năm nay.

Ôi giời, em cứ bảo mẹ cho nhiều gừng sả vào là át mùi, là ngon hết. Nhà mình ăn mãi có sao đâu? Gà nào mà chả là gà. Ngon hay không nó phụ thuộc vào cách chế biến chứ không phụ thuộc vào con gà. Em không biết nấu ăn thì anh có đưa sơn hào hải vị, em cũng không biết làm.

Với nữa là bà trông cháu bà chứ cháu ai. Hôm mẹ bảo để mẹ xuống trông con cho mình, anh đã nói không mượn rồi, mẹ cứ xuống ấy chứ. Xong giờ lại bảo anh không biết đền ơn. Nhà em thật lằng nhằng” – Khoa làu bàu với vợ.

Chán cãi nhau với chồng, vì càng nói anh càng cãi ngang, mà hàng xóm nghe thấy lại không hay, Chinh lẳng lặng đi vào nhà, kệ chồng lúi húi với 2 con gà ốm giữa sân. Cứ nghĩ vợ đã hiểu chuyện, Khoa lại yên tâm đi ra trang trại. Nhưng đến trưa về anh không thấy vợ con đâu nữa, ngoài 1 mảnh giấy và tờ đơn ly dị trên bàn.

Chinh nói rằng cô chán ngấy khi phải sống với người chồng keo kiệt, bủn xỉn. 5 năm lấy anh, cô chỉ biết đầu tắt mặt tối làm việc, chưa một lần được may đồ mới. Những điều đó Chinh có thể chịu đựng, nhưng cách anh đối xử bất công với bố mẹ vợ thì cô không thể nhịn. Chinh hỏi chồng tiền nhiều để làm gì khi tất cả mọi người trong họ hàng đều chẳng coi trọng họ.

Phần về Khoa, anh bực dọc xé đôi tờ giấy ly hôn. Anh chẳng hiểu sao vợ phải đùng đùng giận dỗi và bỏ về như thế? Chẳng phải anh tiết kiệm cũng chỉ vì cái nhà này?