Tôi lặng người. Giữa sự ngỡ ngàng, một cảm giác ấm áp trào dâng trong lòng tôi. Tôi thương con bé, nể phục sự mạnh mẽ của nó.

Sau ngày cưới chưa đầy một năm, con trai tôi gặp tai nạn và rời bỏ cõi đời khi vẫn chưa có con. Cú sốc ấy khiến gia đình tôi như bị nhấn chìm vào nỗi đau, nhưng người đau đớn nhất là con dâu tôi. Từ một cô gái hoạt bát, vui vẻ, con bé trở nên trầm lặng, cười khóc một mình, ánh mắt lúc nào cũng ẩn chứa nỗi tuyệt vọng không thể nói thành lời.

Thương con bé như con ruột, tôi cố gắng chăm sóc, an ủi hết lòng. Tôi luôn bên cạnh để làm chỗ dựa tinh thần cho con, hy vọng thời gian có thể xoa dịu vết thương lòng. Nhưng hơn bốn năm trôi qua, nỗi đau trong lòng con dâu vẫn như mới, khiến tôi không khỏi xót xa.

Thời gian gần đây, tôi thấy con dâu thay đổi. Con bé bắt đầu tươi tắn hơn, thỉnh thoảng còn cười đùa, trò chuyện với tôi. Nhìn thấy con vui vẻ trở lại, lòng tôi cũng nhẹ nhõm phần nào. Tôi cứ nghĩ, có lẽ con bé đã dần nguôi ngoai sau những năm tháng đầy mất mát.

Con bé cầm tay tôi, nghẹn ngào nói: “Mẹ ơi, con có chuyện muốn nói với mẹ. Con đang mang thai…”. (Ảnh minh họa)

 

Con bé cầm tay tôi, nghẹn ngào nói: “Mẹ ơi, con có chuyện muốn nói với mẹ. Con đang mang thai…”. (Ảnh minh họa)

Cho đến một ngày, con dâu ngồi xuống bên tôi, với vẻ mặt vừa xúc động vừa ngại ngùng. Con bé cầm tay tôi, nghẹn ngào nói:

“Mẹ ơi, con có chuyện muốn nói với mẹ. Con đang mang thai…”

Nghe đến đây, tôi sững sờ. Biết rõ con dâu vẫn giữ mình, không muốn đi bước nữa, nên tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhìn ánh mắt dò xét của tôi, con bé vội giải thích:

“Con xin tinh trùng từ bệnh viện để làm mẹ đơn thân, mẹ ạ. Con không muốn tái hôn mà chỉ muốn làm mẹ, cả đời ở vậy thờ chồng và làm con dâu mẹ. Con mong mẹ hiểu cho con.”

Tôi lặng người. Giữa sự ngỡ ngàng, một cảm giác ấm áp trào dâng trong lòng tôi. Tôi thương con bé, nể phục sự mạnh mẽ của nó, và mừng rơi nước mắt khi biết con dâu đã tìm được niềm vui trong việc làm mẹ. Dù đứa trẻ không mang dòng máu của tôi, tôi vẫn yêu thương như cháu ruột của mình. Tôi tin rằng, ở thế giới bên kia, con trai tôi cũng sẽ mỉm cười khi thấy người vợ yêu dấu của mình tìm được niềm an ủi.

Dù đứa trẻ không mang dòng máu của tôi, tôi vẫn yêu thương như cháu ruột của mình. (Ảnh minh họa)

Dù đứa trẻ không mang dòng máu của tôi, tôi vẫn yêu thương như cháu ruột của mình. (Ảnh minh họa)

Nhưng cuộc đời dường như vẫn chưa buông tha cho con bé. Sau khi mang thai, con dâu tôi đi khám thì phát hiện bị u nang buồng trứng. May mắn thay, bác sĩ nói đó chỉ là u lành tính, và vì thai đã lớn nên không thể xử lý ngay được. Khối u sẽ phải để lại, theo dõi định kỳ trong suốt thai kỳ và cả sau sinh.

Tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con bé vẫn có thể tiếp tục mang thai, lo vì sợ khối u ấy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Nhìn con dâu, tôi thầm nghĩ, số phận con bé đã quá cay nghiệt, không hiểu sao ông trời cứ thử thách nó mãi.

Giờ đây, mỗi ngày tôi đều cầu mong cho thai kỳ của con được bình an. Tôi chỉ mong con bé vượt qua được tất cả để có thể suôn sẻ làm mẹ, để cuộc đời nó có thêm ánh sáng từ nụ cười của đứa trẻ.

Tôi tin rằng đứa bé này chính là món quà đặc biệt mà con trai tôi gửi đến, để con dâu có thể tìm lại ý nghĩa cuộc sống, và để tôi có thêm một niềm vui tuổi già. Chỉ cần cả mẹ và con đều khỏe mạnh, tôi nguyện làm tất cả để bảo vệ và yêu thương họ trọn đời.

Cần phải làm gì nếu bị u nang buồng trứng khi mang thai?

Phần lớn các u nang buồng trứng khi mang thai đều không gây nguy hiểm hay có ảnh hưởng xấu gì đến thai kỳ. Ví dụ, nếu là một u nang hoàng thể, rất có thể nó sẽ tự biến mất trong tam cá nguyệt thứ hai.

Các loại u nang buồng trứng khác có thể vẫn tiếp tục phát triển trong thai kỳ và trong một số trường hợp có thể gây ra cảm giác đau đớn, nặng nề vùng hạ vị cho sản phụ. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp đó, các u nang này cũng thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng gì đối với thai kỳ.

Tuy vậy, để chắc chắn rằng u nang buồng trứng khi mang thai là hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến thai kỳ cũng như để theo dõi diễn tiến của các u nang hiện có, trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ cần lên lịch siêu âm thai thường xuyên hơn, vừa để theo dõi sự phát triển của thai, vừa để theo dõi diễn tiến của khối u nang buồng trứng. Nhờ vào siêu âm quan sát u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ đo được các kích thước và tình trạng bất thường của u nang nhằm đảm bảo rằng nó không phát triển thêm hoặc chuyển hướng sang có nguy cơ gây bất lợi cho bào thai cũng như quá trình chuyển dạ về sau.

Hầu hết các u nang buồng trứng khi mang thai đều tự biến mất trong thai kỳ mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu xảy ra các trường hợp cấp tình như xoắn buồng trứng, sản phụ cần được can thiệp kịp thời bằng phẫu thuật. Lúc này, phương pháp phẫu thuật qua nội soi sẽ được ưu tiên chọn lựa. Nếu u nang lớn và phẫu thuật sử dụng nội soi không thể khả thi, phẫu thuật mở bụng sẽ được xem xét.

Đối với các u nang hoàng thể có khuynh hướng diễn tiến trong thai kỳ và nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, mặc dù chưa gây triệu chứng gì, vẫn nên được cân nhắc chủ động can thiệp theo chương trình. Thời điểm ưu tiên được chọn là sau 13 tuần, lúc nhau thai đã tương đối trường thành, có khả năng tiết đủ hormone để nuôi dưỡng thai. Nếu u phát triển to sau đó thì một cột mốc cần lựa chọn là trong 3 tháng giữa thai kỳ. Cả hai thời điểm này là lý tưởng để can thiệp, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai là thấp nhất.

Tóm lại, u nang buồng trứng khi mang thai có thể được xem là một thai kỳ nguy cơ, nhất là khi u có khuynh hướng tăng kích thước và dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Việc theo dõi sát thai kỳ, kèm với siêu âm đánh giá u là vô cùng cần thiết, lựa chọn thời điểm can thiệp phù hợp, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và thai nhi.