“Không có đèn thì cứ đi chứ sao phải dắt bộ nhỉ? Nguyên tắc chứng minh vượt đèn đỏ là phải chụp ảnh theo hướng đi của người vi phạm”, bạn đọc Dân trí bình luận.

Người dùng mạng xã hội mới đây lan truyền clip, ghi lại cảnh đèn giao thông tại một giao lộ mất tín hiệu. Nhiều tài xế ô tô không dám lái xe vượt qua giao lộ vì mức phạt vượt đèn đỏ theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP là 18-20 triệu đồng. Trong khi đó, người lái xe máy cũng xuống xe dắt bộ.

Người dân dẫn bộ xe qua giao lộ ở TPHCM vì đèn giao thông không hoạt động

Sự việc thu hút sự quan tâm, bình luận và tranh luận của độc giả về tình huống: Đèn giao thông không hoạt động, người dân lưu thông bình thường hay vẫn phải chấp hành nghiêm bởi lo sợ sẽ có giấy phạt nguội gửi về nhà và để chứng minh mình không sai sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức.
Đèn đỏ quá 5 phút, người dân dắt xe qua ngã tư hay được quyền đi tiếp? - 1Người dân dắt bộ xe máy qua đường (Ảnh: A.B.).

Độc giả Tuấn Anh Phạm cho rằng về quy tắc thì không đèn đỏ nào quá 5 phút, nên đèn không họa động quá 5 phút là cứ đi thôi.

Độc giả có tên Người Miền Tây: “Không có đèn thì cứ chạy bình thường và không nên dắt xe nhé mọi người; hoặc nếu đèn tín hiệu hiển thị nhiều màu cùng lúc thì coi như vô hiệu, chúng ta quan sát và cứ di chuyển như không có đèn vậy nhé. Nguyên tắc là nếu đèn tín hiệu không đúng thì chúng ta không cần tuân thủ”.

“Đèn giao thông không hoạt động vẫn đi bình thường, vậy chẳng may vài tháng sau nhận giấy phạt nguội thì làm thế nào? bạn có thời gian đi giải thích và trình bày với cơ quan chức năng không?” – lo lắng của nhiều độc giả XCC và inbu Tung – cũng giống lo lắng của những người tham gia giao thông trong clip nói trên.

Bạn đọc Thanh Tung Nguyen: “Không có đèn thì cứ đi chứ sao phải dắt bộ nhỉ? Nguyên tắc chứng minh vượt đèn đỏ là phải chụp ảnh theo hướng đi của người vi phạm. Nếu từ hướng nhìn của người vi phạm có thể thấy đèn đỏ thì mới là vi phạm, còn nếu không thấy (dù ở hướng ngược lại có mà hướng người vi phạm không thấy) thì cũng không coi là vi phạm”.

Vậy dưới góc độ pháp lý, người dân cần làm thế nào trong tình huống này?

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Hành vi vượt đèn đỏ là có dấu hiện của hành vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 26/12/2024.

Tuy nhiên muốn xử phạt vi phạm hành chính, cảnh sát giao thông phải tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính ghi nhận sự việc vi phạm. Sau đó thực hiện bước tiếp theo là phải Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: “1. Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây: a) Có hay không có vi phạm hành chính; b) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính

Điều này có nghĩa rằng không phải cứ vượt đèn đỏ bị lập Biên bản là người dân sẽ đương nhiên bị xử phạt. Cơ quan cảnh sát giao thông phải chứng minh người dân vượt đèn đỏ thuộc trường hợp vi phạm hành chính.

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (theo khoản 1, điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Luật sư Lực khẳng định, với quy định trên đây nếu đèn tín hiệu giao thông không hoạt động hoặc không chuyển sang đèn xanh mà người dân tiếp tục di chuyển khi có đèn đỏ thì người dân không có lỗi, không có lỗi thì không có hành vi vi phạm. Không có vi phạm hành chính thì cảnh sát giao thông không thể xử phạt.