2 từ “dâu trưởng” vẫn luôn là nỗi ám ảnh với phụ nữ. Một tài khoản facebook có tên M.A cũng vừa vào mạng xã hội tâm sự câu chuyện làm dâu của mình.

A. kể: “Tính tới thời điểm này mình cũng đi làm dâu được 5 năm. Cưới hơn năm thì 2 đứa mua nhà ở riêng. Mẹ chồng mình cũng tốt nhưng cũ tính, với con dâu bà không xét nét tuy nhiên lại đòi hỏi cao. Nhất là mình lại là dâu trưởng nên bà lúc nào cũng muốn phải chuẩn chỉnh.

Ngày trước 2 vợ chồng mình xin ra ở riêng bà không đồng ý ngay đâu vì muốn con trưởng phải ở trên đất tổ tiên để lo việc hương khói. Mình với chồng phải thuyết phục mãi bà mới chấp nhận. Cùng với đó, mỗi khi nhà có việc, giỗ lễ là mình phải tự giác về sớm lo liệu. Mình cứ xếp đặt việc chỉn chu là bà vui vẻ, nhất là chuyện lễ lạt, hương khói gia tiên mẹ chồng mình cầu kỳ lắm”.

Giỗ bố chồng xin vắng mặt liền bị cả nhà trách chỉ cậy tiền, dâu trưởng nhắc khéo một câu khiến cục diện thay đổi-1
Bài chia sẻ của nàng dâu

A. kể, hiểu tính mẹ chồng như thế nên cô cũng luôn cố gắng thực hiện đúng như yêu cầu của bà. Trọng trách dâu trưởng thực sự rất áp lực, phải khéo léo A. mới có thể làm hài hòa mọi mối quan hệ trong gia đình nhà chồng.

“Bố chồng mình mất sớm, giỗ ông vào ngày mồng 9 Tết. Từ ngày về làm dâu, chưa bao giờ mình không về lo cơm canh thắp hương cụ. Tuy nhiên năm nay mồng 7 khai xuân đầu năm xong công ty có lịch cử mình đi công tác gấp. Không thể trì hoãn công việc được, mình đành sang nhà nói chuyện với mẹ chồng mong bà thông cảm. Mình cũng nói rõ vì bản thân không ở nhà nấu cỗ thắp hương bố được, mình sẽ đặt nhà hàng 3 mâm, tới giờ thắp hương họ sẽ mang vào để bà với chồng mình chỉ việc dâng lên cúng ông rồi mời khách.

Tuy nhiên việc cỗ bàn, giỗ lễ mẹ chồng mình trước nay rất khái tính. Bà luôn cho rằng, dâu trưởng bất di bất dịch là không được phép vắng mặt trong những ngày ấy. Vậy nên khi con dâu thưa chuyện xong, mặt bà biến sắc tỏ vẻ không hài lòng ngay. Bà không nói thẳng là nhất định mình phải có mặt ở nhà hôm giỗ bố nhưng giọng trách móc rằng: ‘Các chị giờ cứ cậy trong tay có đồng tiền, muốn sai, muốn thuê ai làm thay trách nhiệm của mình chẳng được. Giờ tôi già rồi, con cái xếp đâu ngồi đấy, bảo gì cũng phải nghe lời chứ biết làm sao. Chỉ xấu hổ với họ hàng, nhà có việc mà con dâu mất mặt thôi’.

Giọng bà giận dỗi, trách móc đủ điều. Mình cũng cứ lặng im cho mẹ chồng nói xong rồi mới nhẹ nhàng giải thích: ‘Con biết những ngày nhà có việc, phận làm dâu con nên có mặt nhưng do công việc đột xuất, mẹ thông cảm cho con. Hơn nữa, con vắng mặt không có nghĩa là con không có lòng, không có hiếu. Với tổ tiên, người thân đã khuất, con nghĩ quan trọng nhất là trong lòng mình luôn tưởng nhớ tới họ chứ không phải thể hiện ở việc có tự tay nấu cỗ mẹ ạ.

Chuyện cỗ bàn, con thực sự không phải cậy tiền của gì cả. Thực tình con chỉ nghĩ bản thân không ở nhà, chồng con vụng không biết nấu nướng, mẹ lại có tuổi rồi, con không muốn mẹ phải làm 1 mình vất vả nên mới thuê người ta làm’.

Nghe con dâu nói xong, cơ mặt của mẹ chồng mình mới giãn dần ra, nhìn nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Lúc sau bà cười bảo rằng: ‘Ừ, thôi thì con xếp sắp thế nào cho hợp lý là được’.

Vậy là hôm giỗ, thắp hương cho ông xong mẹ chồng mình còn chụp lại ảnh 3 mâm cỗ gửi khoe con dâu, khen cỗ người ta nấu ngon. Thậm chí bà còn bảo, lần sau nhà có việc mà mình bận thì cứ thuê người ta làm như thế cho mọi người đều nhàn”.

A. tâm sự rằng, khi được mẹ chồng hiểu, thông cảm với mình, cô nhẹ lòng rất nhiều. Làm dâu mấy năm khiến A. rút ra kinh nghiệm, trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chúng ta không chỉ cần khéo mà còn cần chủ động cởi mở bản thân để 2 người có thể hiểu suy nghĩ lập trường của nhau. Từ đó không khí gia đình sẽ vui vẻ, đầm ấm, cuộc sống làm dâu cũng vơi đi áp lực.