Tôi sợ thót tim khi thấy những thứ được đặt trên giường ngủ.

Tuy chưa làm mẹ, nhưng tôi hiểu rất rõ chuyện nuôi dạy một đứa trẻ nhọc nhằn thế nào. Phụ nữ làm mẹ đã khó, huống gì những cánh mày râu làm bố đơn thân, phải vừa trong vai người bố lại vừa đảm nhiệm vai trò của người mẹ.

Có lẽ cũng chính vì thế nên dù gia đình phản đối kịch liệt, tôi vẫn đồng ý kết hôn với người đàn ông hơn mình 10 tuổi, thậm chí còn đang một mình nuôi con. 3 năm quen nhau, tôi thấy rõ những gì mà anh ấy đã làm, và tôi tin tưởng người đàn ông này sẽ là người chồng và người bố tốt. Vậy nên cho dù phải trở thành mẹ kế, tôi vẫn sẵn sàng đón nhận.

Vả lại, con trai của anh cũng đã lớn, tôi nghĩ đứa trẻ đủ trưởng thành để có thể hiểu được hoàn cảnh của bố nó và dễ dàng chấp nhận người mẹ kế như tôi. Kể từ ngày tôi được ra mắt thằng bé, đứa trẻ chưa bao giờ tỏ thái độ hay phản ứng quá khích, tuy có phần trầm tính nhưng con riêng của chồng lại khá nghe lời nên tôi rất yên tâm.

Lấy chồng giàu lớn tuổi là bố đơn thân, đêm tân hôn vừa mở cửa phòng ngủ tôi điếng người bỏ chạy - 1

 

Ảnh minh hoạ

Nào ngờ những gì tôi thấy thằng bé thể hiện ra bên ngoài chỉ là đang cố tình che giấu đi cơn thịnh nộ ở bên trong. Hoặc tôi cũng không biết đứa trẻ có bị ai đó dẫn dắt hay không, mà vào đêm tân hôn thằng bé đã làm ra một chuyện kinh khủng đến mức khiến tôi thót tim, sợ hãi chạy ra khỏi nhà.

Cụ thể là hôm đó sau khi tàn tiệc cưới thì tôi được xe đưa rước về nhà nghỉ ngơi, ông xã có chút việc nên về sau chứ không về cùng lần với tôi. Còn con trai riêng của anh thì tôi không biết vì chuyện gì đó, đã khiến cho thằng bé rời buổi lễ của bố mẹ và trở về nhà từ sớm.

Về đến nhà tôi mệt rã rời, lúc này mọi thứ xung quanh đều tối đen nên tôi đoán con trai riêng của chồng có lẽ đã đi ngủ. Tôi lết tấm thân của mình đi về phía phòng ngủ, định bụng sẽ ngả lưng một chút vì đuối sức. Nào ngờ khi vừa mở cửa phòng tân hôn, thứ chào đón tôi không phải là căn phòng được trang trí lộng lẫy như bao cô dâu khác, mà là một cảnh tượng đáng sợ đến mức tôi phải hét lên rồi chạy ra khỏi phòng.

Trong lúc hoang mang không biết ai đã làm ra trò này, thì tôi thấy cậu con trai riêng của chồng đứng ở cửa phòng riêng nhìn tôi với ánh mắt thù hận, và sau đó nhếch miệng cười rồi đóng sập cửa phòng lại. Vào khoảnh khắc này, tôi đã nhận thủ phạm không ai khác mà chính là thằng bé đó.

Tôi không ngờ một đứa trẻ luôn tỏ ra ngoan hiền, ít nói trước mặt mình lại chứa đựng bên trong là sự uất ức đến mức kinh khủng như thế. Thằng bé vì ghét tôi làm mẹ kế của nó, mà nó đã trang trí căn phòng tân hôn của tôi chẳng khác gì một lễ tang cho người mất, có cả ảnh thờ và những dòng chữ muốn tôi biến mất, muốn tôi trả lại bố cho nó…

Chứng kiến toàn bộ cảnh tượng này, ngoài sự sợ hãi ra thì thực sự tôi còn cực kỳ đau lòng. Tôi cứ nghĩ từ trước đến nay đứa trẻ đã đón nhận mình, thế nhưng hoá ra là do tự tôi huyễn hoặc bản thân. Tôi đau khổ đến mức ngồi gục trước cửa nhà bật khóc, tôi cảm thấy vô cùng bất lực và không biết phải làm gì lúc này. Tôi có nên tiếp tục hành trình này không, hay dừng lại mới là cách tốt nhất cho tất cả mọi người…

Tâm sự từ độc giả tranhuong95…@gmail.com

Bố mẹ ly hôn, tái hôn có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý của con trẻ. Sau ly hôn, bố mẹ có thể có nhiều bạn đời mới, nhưng con mãi chỉ có một người cha và một người mẹ. Đó chắc chắn là sự thiếu hụt lớn trong cuộc đời đứa trẻ sau này. Khi bố mẹ bắt đầu một mối quan hệ mới, cũng là lúc cuộc sống của đứa trẻ có thể đứng trên bờ vực cheo leo, vì vậy, để một đứa trẻ được ổn định tâm lý, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý những khía cạnh sau đây:

– Đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu: Ly hôn – tái hôn để đảm bảo đời sống tình cảm cá nhân nhưng cũng nên tôn trọng con trẻ, cho trẻ có tâm lý ổn định nhất có thể với sự thay đổi tình cảm của bố mẹ. Cho trẻ lựa chọn quyền ở cùng ai sau ly hôn, trẻ con luôn có cảm nhận đúng nhất về sự an toàn của bản thân khi chọn lựa sống cùng ai. Trong trường hợp không xác định được nhờ sự can thiệp của pháp luật, tôn trọng quyết định của tòa án, chu cấp đầy đủ, hoàn thành trách nhiệm làm bố làm mẹ.

– Đảm bảo tâm lý cho con: Tâm lý vô cùng quan trọng, đừng để cuộc ly hôn, tái hôn của bố mẹ thay đổi cuộc đời của con. Luôn yêu thương, săn sóc con cho dù đã ly hôn hoặc có bạn đời mới, để trẻ cảm nhận được dù bố mẹ có không ở với nhau, bố có vợ mới, mẹ có chồng mới… nhưng tình cảm dành cho con không hề thay đổi.

– Không kìm hãm trẻ, ép trẻ theo suy nghĩ của người lớn: Sau ly hôn, cha mẹ có thể làm một số việc để giảm thiểu tác động tới con cái, cố gắng duy trì cuộc sống bình thường cho trẻ. Sau khi ly hôn, không được tước quyền thăm nom của bên kia, mà hợp tác hết mức có thể. Không được phép để con tham gia vào cuộc đấu tố của đôi bên. Không nói xấu đối phương, tranh luận vấn đề nuôi dạy trước mặt trẻ. Nếu một bên tái hôn, đừng đặt ra quá nhiều yêu cầu và ép trẻ làm những việc chúng không muốn, chẳng hạn như gọi bạn đời mới là “bố” hoặc “mẹ”.

– Xây dựng mối quan hệ của con với bạn đời mới: Nếu có ý định tiến xa trong tình cảm với người mình quý mến, bố mẹ hãy nghĩ đến việc cho con cảm giác gần gũi với người đó, nhằm tạo dựng tình cảm trong con về mối quan hệ mới giữa người bạn yêu và cô bé. Hãy kiên trì để con chấp nhận theo cơ chế lấn dần từng bước từ quen biết đến quan tâm đến tạo dựng sự thân thiết, gần gũi và chiếm được lòng tin của con trẻ.

Tóm lại, ly hôn tái hôn là chuyện không ai mong muốn nhưng người lớn hay tỉnh táo suy xét, đặt lợi ích con cái lên hàng đầu để đảm bảo cuộc sống của con không bị thay đổi sau sự chia rẽ của bố mẹ, cùng hợp sức tìm hướng giải quyết với con chung, để đứa trẻ lớn lên với tâm lý vững vàng, ổn định nhất.