Tôi ở thế khó xử khi nghe khoản phí góp 200 triệu đồng trong khi còn nợ hơn 500 triệu tiền mua nhà.

Hôm thanh minh vừa rồi, dòng họ tôi tổ chức lễ cúng bái ở nghĩa trang của dòng tộc. Chuyện cũng chẳng có gì để nói đến khi ông bác ruột của tôi đề nghị các gia đình đóng góp một khoản tiền, cụ thể là 200 triệu đồng để có kinh phí sửa sang, xây mới lăng mộ cho ông bà, tổ tiên. “Cũ quá rồi, không thể để ông bà chịu cảnh này mãi”, ông bác của tôi nói.

Ông nội tôi có 7 người con, một người định cư ở nước ngoài từ lâu nên trong nước còn 6 người, trong đó có ba người đã mất, trong đó có bố tôi. Tôi nhẩm tính, là hơn 1,4 tỷ đồng, nhưng có lẽ sẽ hơn vì chi phí đội giá, cũng như ai giàu hơn sẽ góp nhiều hơn.

Ở quê tôi mấy năm nay rộ lên phong trào làm mới lăng mộ, tu sửa sơn son thếp vàng, chạm trổ rồng phụng cho các phần mộ của dòng tộc. Họ nào cũng ra sức chỉnh trang, để nói giảm nói tránh tôi không muốn dùng từ phô trương. Làm hàng rào bao quanh, cổng chính đồ sộ rồi đề biển “X gia trang”, “Nghĩa trang Y tộc”…

Nếu như con cháu đều khá cả cả thì phần tiền tu sửa mộ phần ấy không có gì phải bàn cãi. Tôi cũng không phản đối việc xây lăng mộ to đẹp, nhưng cho rằng cũng cần nhìn nhận ở góc độ kinh tế của con cháu và hoàn cảnh của từng gia đình.

Có những dòng họ con cháu còn chật vật với cuộc sống nhưng vẫn bị ép đóng góp để “làm nhà cho người mất”. Như trường hợp của tôi, còn đang thiếu hơn 500 triệu đồng tiền mua căn hộ chưa trả xong, nay lại đào đâu ra 200 triệu đồng để góp vào?

Đứa em họ của tôi, kinh tế gia đình làm nông, rảnh là tranh thủ đi làm thuê kiếm thêm tiền, ngôi nhà xây xong gạch chưa tô trát, thì cũng đào đâu ra số tiền ấy? Nếu có tiền, thì cũng nên ưu tiên cho người sống, chứ người đã mất rồi thì làm sao hưởng được mộ phần to đẹp?

Nói là vậy, nhưng tôi bị dồn vào thế khó: chung quanh những ngôi mộ khác được sửa lại khang trang, to đẹp mà lọt thỏm vào đó là những ngôi mộ cũ kỹ thì sẽ bị nói ra, nói vào.

Chữ hiếu, có nhất thiết phải đi kèm và phụ thuộc vào sự hoành tráng và bề thế?