Đại tá Nhật cho biết, trong 3 ngày đã có 250.000 người đăng ký app VNeTraffic, hơn 8.000 phản ánh về vi phạm giao thông.

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” có hiệu lực thi hành.
Theo đó, một số hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ có mức phạt tăng mạnh so với trước như người điều khiển ôtô vượt đèn đỏ bị phạt 18-20 triệu đồng (mức cũ là 4-6 triệu đồng), đối với người điều khiển mô tô, xe máy vượt đèn đỏ bị phạt 4-6 triệu đồng (mức phạt cũ là 800 nghìn – 1 triệu đồng).

Song song với Nghị định 16/2024 thì Nghị định 176/2024 quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách, đã được Chính phủ ban hành và cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Trong Nghị định 176 đã gây chú ý khi có khoản chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.

Thông tin này đã gây xôn xao dư luận, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông” đang được thực hiện rất hiệu quả.

Tuy nhiên, thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu “săn tiền thưởng” thông qua việc ghi hình báo vi phạm giao thông. Thậm chí còn có cả một hội nhóm trên mạng xã hội với hàng nghìn thành viên để bàn tán về vấn đề này.

CSGT Hà Nội kiểm soát người vi phạm qua trung tâm điều khiển – Ảnh: Bộ Công an

Đại tá Nguyễn Quang Nhật – trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) đã chia sẻ về vấn đề này tại buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Tuổi trẻ sáng ngày 7/1/2025.

Theo Đại tá Nhật, “chúng ta phải suy nghĩ tích cực, tránh những trào lưu. Ở đây mọi công dân đều có trách nhiệm lên án những thói hư, tật xấu, hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn để hướng đến xã hội văn minh, tiến bộ, ý thức giao thông nền nếp”.

Đại diện Cục CSGT cũng khẳng định báo cáo thông tin về vi phạm là ý thức trách nhiệm của công dân, không chỉ là thông tin về trật tự ATGT mà còn là thông tin về tội phạm.
Chia sẻ trên Thanh Niên Online sáng cùng ngày, TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) kỳ vọng sẽ tạo động lực để người dân tích cực tham gia vào công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hơn nữa.

Theo ông Tạo, bản chất của cơ chế trên “không phải dùng tiền để kêu gọi tố giác”, bởi trước nay không có việc trả tiền thì vẫn có rất nhiều người đã cung cấp thông tin. Việc chi hỗ trợ là nhằm động viên người cung cấp thông tin, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Có hơn 8.000 phản ánh vi phạm qua ứng dụng VNeTraffic

Bộ công an trước đó cũng đã thông tin về các cách để gửi thông tin phản ánh vi phạm giao thông. Trong đó, đơn vị cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục Cảnh sát giao thông; phòng cảnh sát giao thông, đội cảnh sát giao thông, trật tự thuộc công an cấp huyện.
Mọi người có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm thông qua trang Zalo Phòng CSGT hoặc cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeTraffic – Ứng dụng giao thông thông minh Việt Nam do Bộ Công an phát triển được hoạt động từ 1/1/2025. Ngoài ra, người dân ở Hà Nội có thể cung cấp qua ứng dụng iHanoi.

Tuy nhiên, nhiều người sau khi cài đặt ứng dụng VNeTraffic và thực hiện phản ánh vi phạm giao thông thì hiện ra thông báo ứng dụng báo mới thí điểm ở Bắc Ninh gây khó khăn trong quá trình sử dụng.
Cũng trong buổi giao lưu, Đại tá Nhật cho biết, ứng dụng VNeTraffic trước đây được thí điểm tại Bắc Ninh từ năm 2024 và những ngày đầu có thể ứng dụng báo mới thí điểm ở Bắc Ninh. Còn hiện tại ứng dụng đã có thể sử dụng trên cả nước.

Nhiều người gửi báo lỗi vi phạm nhưng không được ghi nhận

Thời gian tới, Cục CSGT cũng sẽ hướng cho người dân có thể đăng ký tài khoản VNeTraffic qua ứng dụng định danh điện tử VneID.
Đại tá Nhật cũng thông tin, mới 3 ngày qua app VNeTraffic đã có 250.000 người đăng ký, hơn 8.000 phản ánh về vi phạm giao thông.

Với các vi phạm sẽ chuyển đến lực lượng chức năng các nơi liên quan để giải quyết và tai nạn cũng được chuyển ngay để giải quyết. Ngoài ra, người dân sẽ nắm bắt được các thông báo về phạt nguội. Đồng thời, tiến tới kết nối để người dân nắm bắt được điểm bằng lái xe của mình, bản đồ số an toàn giao thông…

Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, đại diện Cục Cảnh sát giao thông hôm 3/1/2025 cho biết điều này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.