Tôi thương em trai lắm mà tôi không biết giúp thế nào nữa. Lúc này tôi mới thấy hối hận vì đã đặt hết niềm tin vào người thân ruột thịt.

Tôi có hai người con: một gái, một trai. Con gái lấy chồng xa nhà, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Mọi người xung quanh thường nói tôi may mắn, tuổi già còn có vợ chồng con trai sống chung, không phải sống một mình cô quạnh. Nhưng tôi không biết nên xem đó là may mắn hay gánh nặng nữa.

Sau khi cưới, con dâu muốn ra ở riêng. Tôi tôn trọng quyết định của con, cũng nghĩ rằng các con mới cưới cần không gian riêng để xây dựng hạnh phúc. Nhưng khi con dâu sinh cháu đầu lòng, gánh nặng tài chính dường như vượt quá khả năng của chúng nó. Con trai tôi làm việc cật lực mà vẫn không đủ nuôi gia đình.

Thấy các con ăn uống tằn tiện, sống trong căn trọ chật hẹp, lòng tôi không đành. Tôi gọi vợ chồng con về sống chung, nghĩ rằng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí và các cháu cũng được chăm sóc tốt hơn. Nhưng tôi không ngờ rằng quyết định đó lại khiến tôi sau này phải suy ngẫm rất nhiều.

Từ ngày sống cùng với bố mẹ, các con ỷ vào thu nhập của chúng tôi cao nên không đóng tiền ăn hay điện nước mỗi tháng. Tôi cho rằng các con phải nuôi cháu, còn nhiều khó khăn, bố mẹ có điều kiện bao bọc con cháu cũng chẳng sao.

Sau khi chồng mất, sức khỏe của tôi yếu đi rất nhiều, tôi không thể đi chợ nấu ăn như trước được nữa, cả ngày chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường. Lương hưu của tôi 13 triệu/tháng cũng không thể đi lĩnh mà phải ủy quyền cho con trai.

Lo sợ tôi bị tai biến hay đột quỵ không thể rút tiền ngân hàng chữa trị nên con trai thúc giục tôi phải sang tên cuốn sổ tiết kiệm 2 tỷ cho con đứng. Năm nay tôi gần 70 tuổi, sức khỏe yếu, chẳng thiết tha đến việc giữ tiền bạc nữa. . Nghĩ đến tuổi già, tôi chẳng thiết tha giữ tiền nữa, chỉ mong các con chăm sóc mình nên tôi giao hết tài sản cho con trai. Từ sổ tiết kiệm đến lương hưu, từ giờ đều do vợ chồng con trai quản lý.

Từ ngày giữ lương và được quyền chi toàn bộ lương của tôi, vợ chồng con trai chăm sóc bồi bổ cho tôi khá tốt. Hằng ngày có đồ ăn ngon, thuốc bổ và sữa. Con trai còn thường nói đùa là tôi phải ăn uống tốt vào để sống lâu thì mới mong được hưởng lương hưu lâu dài.

Tuần vừa rồi, em trai tôi bị đau ruột thừa, em dâu qua nhà vay tiền để đưa chồng vào bệnh viện cấp cứu. Lúc đó trong người tôi không có tiền. Tôi nhắc vợ chồng con trai lấy 10 triệu đưa cho thím vay.

Nhưng con trai lạnh lùng đáp:

– Nhà không có đồng nào đâu mẹ ạ.

Tôi ngạc nhiên:

– Thế lương hưu của mẹ đâu? Sao các con xài hết được 13 triệu mỗi tháng?

Con trai trả lời gọn lỏn:

– Tiền đó chi cho ăn uống, điện nước của mẹ, còn lại là trả công vợ chồng con chăm sóc mẹ.

Con trai bảo tiền ăn, điện nước cho tôi mỗi tháng hết 6, 7 triệu, còn lại là trả tiền cho vợ chồng con trai chăm sóc phụng dưỡng tôi.  Nghe những lời ấy, tôi như chết lặng. Công chăm sóc mẹ ruột cũng cần phải tính tiền sao? Nỗi tức giận nghẹn lại trong cổ họng, tôi chẳng thể nói được lời nào. Vất vả nuôi dưỡng con khôn lớn, vậy mà bây giờ con nuôi lại mẹ, mẹ phải trả tiền công mỗi ngày.

Tôi nhắc con trai ra ngân hàng rút tiền từ cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu dự phòng lúc ốm đau bệnh tật. Nhưng con trai nói khoản tiền đó chỉ để dùng chữa bệnh cho mẹ già, không cho ai vay cả.

Em trai tôi tính mạng đang nguy hiểm, gia đình em ấy khó khăn, không có tiền mới phải nhờ cậy chị gái giúp đỡ. Tôi có 2 tỷ trong tài khoản mà không thể giúp em ấy, tôi đúng là người chị chẳng ra gì.

Tôi bảo con trai đi vay tiền ai đó rồi tháng sau lĩnh lương của tôi trả nợ. Nhưng con trai không chịu và khuyên em dâu tôi đi chỗ khác vay tiền, gia đình tôi không thể giúp.

Khi em dâu rời đi, nó còn nói thêm:

– Mẹ đừng lo chuyện bao đồng nữa. Già rồi, lo cho mình đi, giúp đỡ ai làm gì. Lúc mẹ khó khăn, họ có giúp mẹ đâu.

Nghe những lời con trai nói mà tôi đau lòng vô cùng. Bây giờ tôi mới thấy hối hận vì đã giao hết tài sản cho vợ chồng con trai giữ. Tôi phải làm gì để giúp đỡ em trai trong lúc này đây?