Nhìn 3 con mực khô trên bàn mà tôi dở khóc dở cười.


Tôi có 3 cậu con trai mà các cụ ngày xưa hay nói là “tam nam bất phú” ấy. Thật ra tôi nghĩ “bất phú” ở đây là kiểu gì cũng phải lo cho chúng nó mỗi đứa 1 cái nhà để có chỗ chui ra chui vào. Con gái bây giờ nhà người ta nuôi nấng công sức trời bể, muốn cưới về thì cũng phải có nền tảng vững vàng 1 chút, chứ sao mà bắt con gái nhà người ta chịu khổ cùng con mình được.

Cũng may vợ chồng tôi làm ngày làm đêm mà ông trời cũng thương xót nên ở cái tuổi già về hưu rồi thì chúng tôi cũng lo đủ cho 3 thằng mỗi thằng 1 căn chung cư. Cả 3 thằng đều như nhau, không thằng nào nhiều hơn thằng nào, khỏi phải tị nạnh.

Thằng út nhà tôi năm nay mới thi đại học nên không nói. Cậu cả đã vợ con đề huề, làm ăn khấm khá, vợ chồng chúng nói tuy không ở chung với bố mẹ nhưng tuần nào cuối tuần cũng kéo nhau về chơi. Được cái tôi rất hợp dâu trưởng, nó không phải đứa khéo mồm khéo miệng gì mà bảo là giỏi nịnh mẹ chồng đâu nhưng tôi quý nó vì nó thật, có gì nó nói ra mồm hết đâm ra lại hay, mất lòng trước được lòng sau.

Cậu thứ 2 nhà tôi thì mới lấy vợ năm kia, con bé này thì khéo léo hơn, cũng biết vun vén hơn nhưng lại ít nói quá, tôi với nó ngồi cả ngày có khi chẳng nói được mấy câu mà toàn là tôi nói. Con bé này nó hay mặc cảm vì nhà nó ở quê, gia đình cũng không khá giả nhưng mà khổ vợ chồng tôi có quan tâm cái vấn đề ấy đâu cơ chứ. Miễn sao vợ chồng chúng nó bảo ban nhau làm ăn, yêu thương nhau rồi nuôi con nuôi cái cho tốt là được rồi. Chính ra là nhà tôi cũng có phải xuất sắc gì đâu, chẳng qua cũng may mắn một chút nên lo được cho con cho cái thôi.

Thông gia xách 3 con mực khô sang biếu nhà tôi đúng mùng 1 Tết- Ảnh 1.
Con dâu thì tôi ưng bụng nhưng thông gia bên ấy thì nói thật là nhiều cái tôi hơi bị khác lối sống nên khó mà hợp nhau được. Đầu tiên chắc phải nói đến cái hôm cưới chúng nó, vẫn biết là ngày vui nhưng mình là bậc cha bậc mẹ, ngày quan trọng của con cái thì phải giữ được cái tinh thần tỉnh táo còn tiếp khách khứa nữa chứ. Nhưng không, ông thông gia uống rượu say khướt rồi còn nôn ói ra đầy hội trường. Hôm ấy tôi rất mất lòng nhưng vì thương con dâu nó cứ ngơ ngác, mắt đỏ hoe nên tôi coi như không có gì, tìm hướng giải quyết ổn thỏa để còn lo xong việc lớn cho chúng nó.

Tôi là người có thể sống tằn tiện nhưng cái gì phải chi ra là tôi sẵn sàng chi, không tiếc nuối gì hết. Ngày trước cưới thằng lớn, tôi cho con dâu 2 cây vàng thì bây giờ tôi cũng cho con bé đúng 2 cây vàng. Tuy giờ giá vàng nó cao hơn hồi đó nhưng giá cả thị trường thì cũng leo thang hơn. Tôi tự tin là mình sống đủ công bằng nên chắc chắn không có chuyện dâu này phải tị nạnh với dâu kia.

Thế nhưng, ông bà thông gia bên kia thì không cho con bé được chỉ nào gọi là của hồi môn, có mỗi em gái nó cho chị 2 chỉ vàng. Tôi nhìn mà xót xa vì nghĩ mình mà có con gái chẳng bao giờ mình để nó tay không về nhà chồng như thế cả.

Đã vậy, cưới xong một cái bà thông gia liên tục giục con bé mang vàng nhà chồng cho bán đi để về sửa cái nhà cho bố mẹ. Đời thuở nhà ai mà con dâu phải mang vàng cưới đến xin mẹ chồng giữ hộ vì sợ bố mẹ đẻ quá không cơ chứ?

Con bé về làm dâu được 1 thời gian thì tôi cũng hiểu được nó ở nhà đẻ chẳng sung sướng gì rồi nên tôi dặn thằng con mình cố mà thương vợ, cái gì đứng ra bảo vệ vợ được là phải làm chứ không để con bé 1 mình chiến đấu với nhà bên ấy được.

Thế rồi Tết năm ngoái, tôi không biết là do phong tục mỗi nơi khác nhau hay thế nào nhưng rõ ràng từ bao đời nay thường thì mùng 1 Tết người ta chỉ ở nhà và tránh đi đến nhà người khác. Mùng 1 Tết tôi còn bảo con cái chiều tối hãy sang nhà cơ mà, ấy thế mà đúng mùng 1 Tết, ông bà thông gia đến gõ cửa nhà tôi mà không hề thông báo trước câu nào.

Hôm ấy tôi đang chuẩn bị cơm nước thì thấy chuông cửa, cả 2 vợ chồng đều khó hiểu vì sao lại có người bấm chuông nhà ngày này cơ chứ. Chồng tôi ra xem thì thấy 2 ông bà thông gia, nói thật lúc ấy vợ chồng tôi hoang mang vô cùng, cũng may buổi sáng ông nhà tôi đã tự xông đất rồi nên khách đến thì chúng tôi vẫn phải mời vào tiếp đón.

Nhưng điều khiến tôi ngã ngửa hơn nữa là trên tay bà thông gia xách theo 3 con mực khô! Tôi không phải là người quá kiêng kị nhưng ngày đầu năm mới thì tôi cũng muốn tránh những cái mà các cụ ngày xưa vẫn hay kiêng.

Bà thông gia bước vào nhà rồi chạy xộc vào bếp định nướng mực, tôi tá hỏa, phải nói khéo là cơm nước đủ món rồi nên đừng làm thêm gì nữa. Nói mãi bà ấy mới buông bỏ ý định nướng mực ăn đúng mùng 1 Tết.

Khó hiểu hơn nữa là ông thông gia lôi ra 1 cút rượu rồi rủ ông nhà tôi uống, chồng tôi từ chối thì ông ấy ngồi uống 1 mình, uống xong say mèm nằm vật ra giữa phòng khách ngủ. Phải mãi đến tối ông ấy mới tỉnh rồi đi về nhà.

Vợ chồng tôi nhìn bãi chiến trường 2 ông bà thông gia để lại mà không biết phải nghĩ thế nào luôn. Chồng tôi thì rất bực vì bình thường ông ấy không bao giờ bày bừa ra để vợ phải dọn nên giờ thấy tôi phải làm 1 đống việc đúng mùng 1 Tết thì đương nhiên là không thoải mái gì rồi.

Thế nhưng điều khiến tôi cứ buồn buồn lại không phải là vì 3 con mực khô ấy, cũng chẳng phải do nhà thông gia vô ý tứ mà tôi chợt hiểu có lẽ từ xưa đến nay con dâu vẫn phải sống trong cái cảnh này. Tết đến cứ phải phục vụ ông bố rượu chè như vậy thì liệu rằng nó đã có cái Tết nào thật sự vui vẻ hay chưa?