Sinh con ra, bố mẹ nào cũng muốn con khoẻ mạnh lớn lên, là một em bé đáng yêu và hoạt bát. Chính vì lẽ đó mà dù bận rộn, bố mẹ vẫn tạo mọi điều kiện để con phát triển tốt nhất. Ngắm nhìn những đứa trẻ xinh xắn, kháu khỉnh thì không chỉ bố mẹ, mà ai cũng mê. Một điều mà bố mẹ nào khi nuôi con cũng sẽ nắm rất rõ, đó là tốc độ tăng trưởng của mỗi bé không giống nhau. Có bé nhanh biết ngồi, nhanh biết nói, biết đi nhưng có trẻ thì chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Cặp song sinh nhà Phương Oanh – shark Bình thì “trộm vía” được gia đình chăm sóc tỉ mỉ nên dù mới chỉ 5 tháng tuổi nhưng Jimmy và Jenny ngày càng bụ bẫm, kháu khỉnh. 2 nhóc tỳ khá cứng cáp nên hiện tại đã biết ngồi, thậm chí còn ngồi khá vững mà không cần ai hỗ trợ phía sau.

Cặp sinh đôi nhà Phương Oanh – shark Bình mới 6 tháng đã ngồi khá vững.

Mới đây trên trang cá nhân, Phương Oanh đã chia sẻ đoạn video dài gần 1 phút ghi lại khoảnh khắc cặp sinh đôi Jimmy – Jenny ngồi trên giường chơi, lập tức thước phim đáng yêu này đã nhanh chóng nhận thu hút hàng chục ngàn lượt yêu thích, và hàng trăm bình luận từ đông đảo cộng đồng mạng.

Ngoài lời khen dành cho bà xã shark Bình khi sinh được 2 nhóc tỳ hưởng 2 nét đẹp riêng từ cả bố và mẹ, con trai Jimmy giống bố còn con gái Jenny giống mẹ thì nhiều người bất ngờ vì cặp song sinh 5 tháng tuổi đã ngồi vững. Các bé tự ngồi chơi với nhau, cô em gái Jenny được nhận xét “có da có thịt” và có vẻ như tính cách có phần nghịch ngợm hơn anh trai Jimmy.

Jimmy được nhận xét giống bố.

Jenny thì có nhiều nét của mẹ hơn.

Nhìn những nét đáng yêu, vui vẻ, lanh lợi của cặp sinh đôi nhà shark Bình và Phương Oanh, hội bố mẹ bỉm không khỏi xuýt xoa trước khả năng chăm con “mát tay” của cặp đôi. Dù hiện tại Phương Oanh cũng đã quay lại với “đường đua” showbiz, nhưng qua những khoảnh khắc người đẹp chia sẻ trên trang cá nhân thì có thể thấy rõ mẹ bỉm đang làm khá tròn trịa vai trò mẹ bỉm sữa của mình. Thế nên, 2 bé Jimmy và Jenny mới phát triển tốt đến thế.

Trên thực tế, trẻ em thường bắt đầu tập ngồi từ khoảng 4 đến 6 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, cơ bắp và khả năng kiểm soát cơ thể của trẻ đã phát triển đủ để hỗ trợ việc ngồi dậy. Trước độ tuổi này, bố mẹ không nên tập cho con sơ sinh ngồi sớm vì những lý do sau:

– Sự phát triển của cột sống: Cột sống của trẻ sơ sinh còn non yếu, chưa đủ cứng chắc để chịu đựng trọng lượng cơ thể khi ngồi. Ép buộc trẻ ngồi quá sớm có thể làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển bình thường của cột sống.

– Sự phát triển của cơ bắp: Các cơ ở vùng lưng và cổ của trẻ sơ sinh còn yếu, chưa đủ sức để giữ vững đầu và thân mình khi ngồi. Tập ngồi quá sớm có thể làm căng, mỏi các cơ này.

– Rủi ro về an toàn: Khi ngồi, trẻ sơ sinh dễ mất thăng bằng và ngã về phía trước, sau hoặc sang hai bên, gây nguy hiểm cho sự an toàn của bé.

– Ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên: Trẻ sơ sinh cần được nằm, nghỉ ngơi, vặn vẹo và khám phá các tư thế một cách tự nhiên để tăng cường sự phát triển toàn diện.

Lưu ý khi tập ngồi cho trẻ:

– Khuyến khích thực hành thường xuyên: Khi con bạn đang học cách ngồi, hãy tránh giúp đỡ quá nhiều. Thay vào đó, hãy tạo một không gian riêng biệt và an toàn để bé có thể tự do khám phá và thử các chuyển động của cơ thể. Khi con có thể nâng đầu và thân trên lên, con sẽ học cách dùng phần mông và chân để tự ngồi dậy.

– Tập nằm sấp: Dành 2-3 buổi tập nằm sấp mỗi ngày. Hoạt động này sẽ tăng cường cơ cổ và cơ lõi, qua đó xây dựng nền tảng cho việc ngồi, lăn và bò. Nếu con bạn không thích tập nằm sấp, hãy bắt đầu với những khoảng thời gian ngắn và dần dần tăng thời lượng.

– Khuyến khích ngồi: Đặt các đồ chơi hấp dẫn xung quanh con bạn để khuyến khích bé ngồi lên và với lấy. Đừng quá gấp gáp trong việc thúc đẩy con ngồi – mỗi trẻ em phát triển theo nhịp độ riêng. Ép buộc ngồi quá sớm có thể cản trở sự phát triển của các kỹ năng quan trọng khác. Hãy đợi đến khi con bạn sẵn sàng.

– Hỗ trợ tập ngồi: Bạn có thể ôm con trong lòng để hỗ trợ bé tập ngồi. Chỉ cần chú ý duy trì đường cột sống thẳng. Trong thời gian này, hãy kết nối với con thông qua các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách hoặc chơi trò chơi tương tác.

– Tạo môi trường an toàn: Khi cho phép con ngồi độc lập, đảm bảo không gian an toàn, không có nguy hiểm như ổ cắm điện, cạnh sắc hoặc những vật nhỏ có thể gây nghẹt thở. Bạn cũng có thể đặt gối hoặc đệm xung quanh con để hỗ trợ khi bé ngã.

– Không quá phụ thuộc vào dụng cụ hỗ trợ: Tránh quá phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ ngồi đặc biệt. Thay vào đó, hãy khuyến khích con bạn xây dựng sức mạnh cơ lõi và cân bằng thông qua các hoạt động tập luyện tự nhiên, không cần hỗ trợ.