Thịt gà là loại thực phẩm dễ chế biến thành nhiều món ăn nên thường xuyên được sử dụng trong các gia đình hoặc nhà hàng. Trong đó, gà luộc là món ăn quen thuộc, đặc trưng, luôn góp mặt trong thực đơn của phần lớn các mâm cỗ truyền thống.
Luộc gà theo công thức 3 sôi 3 lạnh để có thành phẩm thơm ngon. (Ảnh: Sohu)

Luộc gà theo công thức 3 sôi 3 lạnh để có thành phẩm thơm ngon. (Ảnh: Sohu)

Hướng dẫn luộc gà theo công thức 3 sôi 3 lạnh

Mặc dù người Việt Nam hiếm ai xa lạ với món gà luộc, nhưng không phải ai cũng biết cách luộc gà mềm ngon, thịt không bị bở, da giòn và không nứt. Bạn đã biết luộc gà theo công thức 3 sôi 3 lạnh chưa? Đây là bí quyết được các đầu bếp tiết lộ,  bạn hãy thử và trải nghiệm nhé.

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Nên làm sạch gà với muối. (Ảnh: Sohu)

Nên làm sạch gà với muối. (Ảnh: Sohu)

Gà sau khi mua về cần được sơ chế, làm sạch và giữ nguyên con. Sau đó, bạn xát muối lên da gà và rửa sạch từ trong ra ngoài, để ráo nước.

Chuẩn bị sẵn các nguyên liệu gồm hành tây, gừng, rượu trắng, hạt nêm và một nồi luộc gà cỡ 5 lít, đường kính đáy khoảng 26 – 28cm và chiều cao thành nồi khoảng 18 – 22cm.

Bước 2: Luộc gà theo công thức 3 sôi 3 lạnh

Thế nào là luộc gà theo công thức 3 sôi 3 lạnh? (Ảnh: Sohu)

Thế nào là luộc gà theo công thức 3 sôi 3 lạnh? (Ảnh: Sohu)

Cho khoảng 3 lít nước vào nồi, sau đó cho các gia vị gồm hành tây, gừng, rượu trắng, hạt nêm vào, bật bếp đun sôi. Sau khi nước sôi, bạn cho gà vào nồi, đậy nắp, đun trong khoảng 1 phút.

Bạn chuẩn bị sẵn một bát nước ngâm đá, vớt gà ra, thả vào bát nước đá 30 giây, sau đó tiếp tục cho vào nước sôi 30 giây. Lặp lại thao tác này 3 lần. Cách luộc gà 3 sôi 3 lạnh này giúp cho da gà săn lại, thịt sẽ thơm ngon hơn.

Sau đó, bạn tiếp tục đun sôi nước, cho gà vào luộc thêm 20 phút với lửa nhỏ.

Bước 3: Vớt gà

Gà khi vớt ra nên ngâm vào nước đá để da giòn hơn. (Ảnh: Sohu)

Gà khi vớt ra nên ngâm vào nước đá để da giòn hơn. (Ảnh: Sohu)

Sau 20 phút luộc, bạn vớt gà ra ngâm vào nước lạnh có đá trong 10 phút rồi để ra đĩa, sau khi gà nguội thì chặt nhỏ thành miếng. Lúc này, bạn sẽ thấy da gà rất giòn, không bị nứt, thịt gà vừa chín tới, mềm thơm.

Lưu ý: Để có được món gà thơm ngon, chúng ta cũng cần lưu ý cách chọn gà. Đối với gà ta, nên chọn những con có da vàng nhạt, mỏng, mịn và chỉ vàng đậm ở một số chỗ như ức, cánh, lưng. Gà ta làm sẵn thường có thân hình nhỏ gọn, săn chắc, ức hẹp, thịt  tươi, không hôi, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu.

Dùng tay ấn vào mình gà, lườn gà hoặc đùi để kiểm tra, nếu thịt săn chắc là gà ngon, còn nếu thịt nhão, trơn, biến dạng, bị lõm kiểu phù nhiều nước chứng tỏ gà bị tiêm thuốc nước, tuyệt đối không mua để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.