Vì không có nhiều tiền nên tôi còn phải bán cả vàng cưới để đóng viện phí cho mẹ kế. Rất may, bà được chữa trị kịp thời, sức khỏe bây giờ không có gì đáng ngại nữa nhưng vẫn phải nằm viện để theo dõi thêm.

Khi tôi lên 5 tuổi, mẹ qua đời vì bạo bệnh. Gần 4 năm sau, bố tôi đưa một người phụ nữ khác về nhà và bắt tôi phải gọi bằng mẹ. Trong lòng tôi chỉ có một người mẹ nên kiên quyết không gọi người phụ nữ đó là mẹ.

Vì chuyện này, không biết bao nhiêu lần tôi bị bố mắng. Ngay cả người ngoài cũng bảo, sau này bố và mẹ kế có em bé, tôi sẽ bị ra rìa, rồi bảo tôi nên lấy lòng mẹ kế đi kẻo bị chịu thiệt.

Nói thật, lúc đó tôi cũng sợ hãi và lo lắng lắm. Nhưng tôi vẫn cứng đầu cứng cổ không nghe, chỉ gọi mẹ kế là dì.

May thay, mẹ kế tôi không như những gì người ta hay nói. Bà đối xử với tôi rất tốt, chăm cho tôi từ miếng cơm, manh áo. Khi tôi ốm, bà cũng luôn túc trực cả đêm bên cạnh khiến trái tim tôi được sưởi ấm.

Ngay cả khi có đứa con của riêng mình, mẹ kế vẫn không hề ghẻ lạnh con riêng của chồng. Bà đối đãi với hai chị em tôi như nhau, ai khen được thưởng, ai hư bị phạt, rất công bằng. Dẫu vậy, từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ gọi bà một tiếng mẹ.

Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ gọi mẹ kế một tiếng mẹ. (Ảnh minh họa)

Sau này tôi đi lấy chồng, cũng chính mẹ kế đã đứng ra lo liệu tất cả, từ rạp cưới, cỗ bàn, của hồi môn tươm tất. Còn nhớ trước ngày cưới, mẹ kế còn gọi riêng tôi vào phòng và bảo:

– Bố mẹ chẳng có nhiều, cả đời chỉ tiết kiệm được ngần này. Bố mẹ chia đều cho hai con, mỗi đứa một cây vàng. Sau này con về nhà chồng phải hiếu thuận với bố mẹ chồng, nhưng đừng cái gì cũng chịu đựng. Nếu có uất ức gì cứ về đây nói với bố mẹ, bố mẹ sẽ chống lưng cho con.

Nghe những lời này, tôi òa khóc nức nở như một đứa trẻ rồi gọi mẹ. Đây là lần đầu tiên tôi gọi mẹ kế là mẹ, nên bà cũng khóc vì xúc động.

Nói về gia đình chồng, nhà anh có điều kiện khá hơn nhà tôi. Bố mẹ chồng đều là công chức đã nghỉ hưu, ông bà có lương hưu nên không phải nhờ cậy con cháu.

Sau khi cưới, chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng. Tôi cố gắng hết sức để trở thành một người vợ đảm, một nàng dâu thảo. May mắn bố mẹ chồng là người dễ tính, thoải mái và có tư tưởng hiện đại nên khi sống chung, tôi và bố mẹ chồng không xảy ra xích mích, mâu thuẫn gì.

Ngược lại, tôi và mẹ rất hợp tính nhau. Mẹ luôn hỏi tôi muốn ăn gì để mẹ nấu, thi thoảng rủ tôi đi cà phê, mua sắm vào cuối tuần. Ngay cả khi ăn cơm xong, mẹ cũng bắt chồng tôi đi rửa bát và bảo tôi ngồi ăn hoa quả. Nói chung, cuộc sống làm dâu của tôi vô cùng hạnh phúc, thoải mái.

Cuộc sống làm dâu của tôi vô cùng hạnh phúc, thoải mái. (Ảnh minh họa)

Nhưng một năm sau cưới, gia đình tôi lại gặp chuyện. Mẹ kế tôi phải nhập viện vì biến chứng bệnh tiểu đường. Em gái cùng cha khác mẹ của tôi đang đi học, bố tôi thì đau ốm nên tôi phải vào viện chăm sóc mẹ kế ngày đêm.

Vì không có nhiều tiền nên tôi còn phải bán cả vàng cưới để đóng viện phí cho mẹ kế. Rất may, bà được chữa trị kịp thời, sức khỏe bây giờ không có gì đáng ngại nữa nhưng vẫn phải nằm viện để theo dõi thêm.

Một đêm nọ, tôi về nhà tắm rửa để quay vào bệnh viện chăm mẹ kế thì vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa chồng tôi và mẹ chồng. Cứ tưởng mẹ chồng trách móc, than phiền vì chuyện tôi bán vàng cưới, không ngờ bà lại dặn dò ông xã tôi:

– Mẹ của cái Thu (tên tôi) sức khỏe không tốt, con nên thường xuyên đến thăm bà ấy, mua thứ gì tốt để bồi bổ cho bà ấy, tiền bạc đừng lo, thiếu mẹ sẽ đưa cho. Dù bà ấy không phải mẹ ruột của Thu nhưng đã nuôi cái Thu từ nhỏ đến lớn, không khác gì mẹ đẻ nên con cũng phải hiếu thảo với bà ấy nghe chưa.

Nghe xong tôi bật khóc. Những ngày tôi vào viện chăm mẹ kế, hầu như ngày nào mẹ chồng cũng nấu cơm ngon rồi bảo chồng mang vào viện cho tôi. Có hôm trời đột ngột trở rét, bà còn lặn lội đưa áo ấm vào bệnh viện cho tôi, giờ còn lo lắng cho sức khỏe của mẹ kế tôi như vậy nữa. Tôi thật sự rất biết ơn mẹ chồng và cảm thấy may mắn khi được gả vào gia đình tốt như vậy.

CẨM TÚ