Một số chuyên gia dự báo giá vàng có khả năng sẽ vượt mốc 2.800 USD/ounce trong 3 tháng tới và sớm chạm ngưỡng cao kỷ lục 3.000 USD mỗi ounce trong năm 2025.

Ngày 24/10/2024, báo Kinh tế đô thị đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Chuyên gia dự báo bất ngờ về chu kỳ tăng giá mới của vàng “. Nội dung cụ thể như sau:

Vàng bước vào chu kỳ tăng giá mới

Theo đánh giá của Công ty quản lý tài sản Sprott Asset Management, vàng đang trong chu kỳ tăng giá mới sau khi thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch đầu tuần này.

Giá vàng được dự báo sẽ tăng lên mức 2.800 USD một ounce trong vòng 3 tháng tới. Ảnh:Emirates247

Nhận định về giá vàng thế giới của Sprott Asset Management cùng quan điểm với nhiều chuyên gia khác, cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên những mức cao mới.

“Vàng đã bước vào chu kỳ tăng giá mới, được thúc đẩy bởi các yếu tố như hoạt động mua dự trữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nợ công của Mỹ tăng cao và các khả năng đạt đỉnh của đồng USD” – chiến lược gia thị trường Paul Wong tại Sprott Asset Management nhận định với đài CNBC sau khi giá vàng tăng lên mốc cao kỷ lục mới 2.700 USD/ounce vào ngày 21/10.

Ông Wong lưu ý thêm rằng tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ tăng thường dẫn tới giá vàng tăng cao. Nguyên nhân là do lo ngại về tính bền vững của nợ, cũng như phá giá tiền tệ và tiền tệ hóa nợ.

Trên thực tế, văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự kiến nợ công tăng từ 98% GDP (năm 2023) lên 181% GDP vào năm 2053 – mức cao nhất trong lịch sử nước này. Khi nợ công tăng, các chính phủ nhiều khả năng sẽ phải in thêm tiền nhằm giải quyết thâm hụt ngân sách, và điều này dẫn tới tình trạng mất giá tiền tệ. Theo chuyên gia Wong, diễn tiến này cũng là tăng sức hấp dẫn của vàng.

Bên cạnh đó, ông Wong cho rằng sức ép lạm phát dai dẳng cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn đang làm ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu. Việc này có thể buộc các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động phân bổ nguồn đầu tư vào vàng.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trong nửa đầu năm 2024 đã tăng lên 483 tấn, cao hơn 5% so với kỷ lục trước đó được thiết lập nửa đầu năm 2023.

Cũng đưa ra dự báo lạc quan về thị trường vàng, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý tài sản Scorpion Minerals, ông Michael Langford, nói với hãng tin Reuters: ” Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều đề xuất những chính sách có thể khiến lạm phát nóng trở lại. Điều này sẽ rất có lợi cho vàng. Mặc dù một số chính sách đã có tính đến rủi rõ này nhưng nó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá cao hơn”.

Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 23/10, giá vàng giao dịch ở mức là mức 2.749,82 USD/ounce, sau khi đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.750,21 USD vào đầu phiên. Đặc biệt, giá vàng tương lai của Mỹ đạt 2.764 USD, tăng 0,2%.

Giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh?

Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà phân tích dự báo rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên 3.000 USD/ounce. Trong đó, có khả năng vàng sẽ vượt mốc 2.800 USD một ounce trong 3 tháng tới.

Chuyên gia hàng hóa Michael Widmer tại Bank of America, nhận định với đài CNBC rằng, giá vàng sẽ sớm nhảy vọt lên mức 3.000 USD/ounce vì nợ công cao và bất ổn địa chính trị kéo dài. Những diễn biến căng thẳng giữa Israel với lực lượng Hamas ở Gaza và Hezbollah tại Lebanon làm giảm đi hy vọng về giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Trung Đông.

Theo các chuyên gia, căng thẳng địa chính trị leo thang khiến giới đầu tư đổ xô tìm đến vàng để bảo vệ trước rủi ro và bất ổn trên thị trường toàn cầu.

Tương tự, các chuyên gia của Ngân hàng Citi giữ nguyên quan điểm rằng giá vàng sẽ đạt mốc 3.000 trong vòng từ 6– 9 tháng tới. Nếu giá dầu tăng đột biến do leo thang trong ngắn hạn tại Trung Đông thì giá vàng sẽ đi lên.

Các vị chuyên gia của Citi lưu ý thêm rằng mặc dù nhu cầu bán lẻ của Trung Quốc đã giảm trong 3 tháng qua nhưng giá vàng vẫn khởi sắc. Điều này phản ánh sự sẵn lòng trả giá cao hơn của những người mua vàng.

Trong khi đó, nhận định về giá vàng, chuyên gia Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia cho biết, giá vàng sẽ ở mức trung bình là 3.000 USD trong quý 4/2025, vì sự suy yếu dai dẳng của đồng USD. Vị chuyên gia này dự báo, giá vàng trung bình sẽ đạt mức 2.800 USD trong quý 4/2024. Trước đó không lâu, Citi cũng dự đoán giá vàng thế giới sẽ đạt 2.800 USD trong vòng 3 tháng.

Theo nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong tại OANDA, xu hướng tăng trong trung hạn của giá vàng vẫn vững chắc. Ông Kelvin Wong lưu ý rằng giá vàng đã giao dịch ổn định trên mức trung bình từ 20-50 ngày, với các chỉ báo cũng đang có xu hướng tăng. “Điều này cho thấy đà tăng trung hạn của giá vàng sẽ tiếp tục được duy trì” – ông Kelvin Wong cho hay, đồng thời dự báo giá vàng sẽ tăng  lên khoảng 2.850 USD/ounce vào cuối năm nay.

Trước đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Dự báo bất ngờ về giá vàng sau khi bật tăng mạnh”. Nội dung cụ thể như sau:

Vàng được hỗ trợ mạnh mẽ trong dài hạn

Kết thúc tuần giao dịch vừa rồi (7/10-12/10), giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 82,5-84,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán là 2 triệu đồng. Vàng miếng khởi động tuần với mức giá 83-85 triệu đồng/lượng (mua – bán) song đến giữa tuần (10/10) bất ngờ giảm 500.000 đồng mỗi chiều.

Vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết tại 81,6-83 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 100.000 đồng mỗi chiều trong phiên cuối tuần.

Trên thị trường thế giới, giá vàng hôm nay đạt 2.659 USD/ounce, tăng 30 USD so với trước đó và ghi nhận phiên tăng giá thứ 2 sau 6 phiên giảm. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng thế giới tương đương 79 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế dao động 3,5-5,5 triệu đồng mỗi lượng, tùy thời điểm.

Trên thế giới, giá vàng hôm nay đạt 2.657 USD/ounce, cũng là giá đóng cửa tuần. Chỉ trong 2 phiên cuối tuần, giá vàng đã tăng 50 USD mỗi ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng thế giới tương đương 79 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế dao động 3,5-5,5 triệu đồng mỗi lượng, tùy thời điểm.

Số liệu lạm phát của nền kinh tế số một thế giới giúp củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tháng tới, từ đó kéo vàng lên cao. Nhu cầu trú ẩn cũng được duy trì do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông. Vàng đã tăng giá bất chấp USD vẫn quanh mức cao nhất 2 tháng so với rổ tiền tệ lớn.

Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, dự báo vàng chạm 3.000 USD/ounce năm 2025, do căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát và bất ổn liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ.

Chiến lược gia thị trường cao cấp James Stanley của Forex.com thì cho biết, gần 6 tháng qua, thay vì bán, ông đã và tiếp tục tìm cơ hội mua vào sau các đợt điều chỉnh. James Stanley nói thêm rằng, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục nói về chính sách nới lỏng, không có lý do gì để nghi ngờ về đà tăng dài hạn của kim loại quý này.

Sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ là đơn vị tiếp theo tiến hành họp về chính sách tiền tệ của mình. Hiện tại, thị trường ngày càng chắc chắn ECB sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản (0,25%) tại cuộc họp lần này.

Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận dữ liệu tiêu dùng để xem chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ có tiếp tục giữ vững hay không. Một số nhà phân tích lưu ý rằng trong ngắn hạn, bất kỳ dữ liệu kinh tế mạnh nào ảnh hưởng đến chu kỳ nới lỏng của Fed có thể gây áp lực lên giá.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng nhận định dữ liệu kinh tế và lãi suất cũng không quá lo ngại với vàng, bởi kim loại quý này vẫn được hỗ trợ tốt như một tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Sự hỗn loạn ở Trung Đông có thể tiếp tục chi phối dòng chảy đầu tư trong tuần tới.

Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư của Zaye Capital Markets, dự báo giá vàng có thể tăng lên 2.800 USD/ounce. Tuy nhiên ông cũng không loại bỏ khả năng giá có thể rơi xuống mốc 2.500 USD/ounce nếu lực cầu trú ẩn giảm.

Đồng bạc xanh giảm nhẹ

USD-Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – hiện đạt 102,8 điểm, giảm 0,14% so với trước đó trước sự đi lên của vàng song vẫn ở vùng giá cao nhất 2 tháng.

Ngân hàng Nhà nước kết thúc tuần này niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.175 đồng, tăng 3 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 22.968-25.373 đồng.

Ngân hàng lớn mua bán USD tại 24.630-25.020 đồng (mua – bán), giảm 10 đồng ở cả chiều mua và bán so với trước đó. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 24.610-25.020 đồng, giảm 60 đồng mỗi chiều.

Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh được giao dịch tại 25.240-25.340 đồng (mua – bán), giảm 10 đồng so với trước đó. So với đầu tuần, giá USD tự do đã tăng 130 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.