Lo xong tang lễ của bố, anh trai tôi đề nghị mẹ kế ký cam kết từ chối nhận tài sản. Yêu cầu của anh khiến mẹ kế tủi thân.

Mẹ mất khi tôi tròn 6 tuổi, còn các anh trai đang học cấp 2. Bố tôi gần 40 tuổi đã góa vợ nên cả làng xì xào, kiểu gì bố cũng đi thêm bước nữa.

Mãn tang mẹ, bố tôi dẫn về nhà một phụ nữ trung niên. Người này sống cùng xã và lớn hơn bố tôi 2 tuổi. Tôi nghe người lớn trong làng bàn tán, bà có tướng sát phu, đàn ông trong vùng không ai dám lấy.

Từ ngày mẹ mất, bố tôi cũng mang tiếng cao số, khắc chết vợ. Vậy nên, hai người đồng cảm, sớm nảy sinh tình yêu.

Bố có vợ mới, mọi người nhìn anh em tôi với ánh mắt tội nghiệp. Đi đâu, tôi cũng nghe người ta to nhỏ: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”.

Chúng tôi không thích bố có vợ mới nhưng không dám phản đối. Mấy lời xầm xì của mọi người vô tình gieo vào lòng chúng tôi phản ứng đề phòng, dù mẹ kế chưa làm gì quá đáng.ảnh 2   mẹ kế của tôi.jpg
Bố mất, mẹ kế bị con chồng đối xử tệ bạc. Ảnh minh họa: PX
Mẹ kế về nhà được hai tháng thì bố tôi phát hiện bà uống thuốc tránh thai. Bố hỏi nguyên nhân, bà thú thật không muốn sinh con, sợ cảnh con chung con riêng.

Tôi thấy bố không nói gì, chỉ ngồi nhìn lên bàn thờ vợ cũ. Ông thở dài, rồi nói mẹ kế thắp hương cho mẹ tôi và căn dặn: “Cuối tuần, em giúp tôi làm mâm cơm ra mắt họ hàng”.

Từ ngày có mẹ kế, quần áo của anh em tôi thơm hơn, bữa cơm có thêm nhiều món mới. Mẹ kế quán xuyến nhà cửa, bảo ban anh em tôi học hành. Bố tôi yên tâm làm ăn nên cảnh nhà ngày càng khấm khá.

Tôi là con gái, được mẹ kế gần gũi và yêu thương hơn các anh trai. Khoảng cách mẹ ghẻ con chồng giữa tôi và bà thu hẹp dần nhưng các anh không cho tôi gọi bà là mẹ.

Dù mẹ kế cục mịch, nóng tính nhưng chưa khi nào đánh mắng con chồng. Mỗi lần chúng tôi phạm lỗi hay hỗn láo, bố sẽ đứng ra xử lý.

Có lẽ, các anh nghĩ mẹ kế mách lẻo nên không có thiện cảm với bà. Tình cảm bao năm mẹ kế vun đắp, chắc chỉ có tôi thấu hiểu và đáp lại.

Đến khi làm mẹ, tôi mới hiểu được quyết định không sinh con của mẹ kế vĩ đại đến nhường nào. Tôi luôn tâm niệm phải bù đắp những thiệt thòi mà bà đã hy sinh cho con chồng.

3 tháng trước, bố tôi lâm bệnh rồi qua đời. Ông không để lại di chúc. Lúc hấp hối, bố tôi căn dặn chúng tôi phải phụng dưỡng mẹ kế đến mãn đời.

Thế nhưng, các anh tôi không làm đúng lời bố trăng trối. Sau lễ tang của bố, anh cả mời mẹ kế và mấy anh em ngồi lại chia thừa kế. Anh lấy trong túi một tờ cam kết đã chuẩn bị sẵn, đề nghị mẹ kế ký giấy từ chối nhận tài sản.

Đồng thời, anh yêu cầu mẹ kế đưa toàn bộ giấy tờ nhà đất, chìa khóa két sắt, tủ và nhà cửa.

Tôi thấy mẹ kế ngồi im, mặt không chút biến sắc. Bà thở dài rồi vào phòng mở két sắt, lấy tất cả giấy tờ để lên bàn.

Mẹ kế chậm rãi nói: “Các con yên tâm dì không đứng tên tài sản của gia đình. Dù bố các con từng đề nghị đứng tên chung nhưng dì đã từ chối. Bố các con mất rồi, dì chỉ còn các con là người thân”.

Chia sẻ chân tình của dì khiến tôi thêm nể phục và yêu kính. Tuy nhiên, các anh tôi lại xem lời mẹ kế không có giá trị pháp lý. Nếu mẹ kế thay đổi ý định thì tài sản phải chia đôi, anh em tôi chỉ được nhận một nửa.

Thế nên, anh cả nhất mực yêu cầu mẹ kế ký tên vào cam kết mặc cho tôi ngăn cản. Hành động của các anh khiến tôi xấu hổ. Tôi không dám chứng kiến cảnh mẹ kế ký vào bản cam kết nên xin phép ra về.

Lúc chuẩn bị rời đi, tôi ôm mẹ kế và khẩn khoản: “Mẹ về ở với vợ chồng con nhé!”. Mẹ kế không trả lời nhưng ánh mắt nhìn tôi đầy trìu mến.

Tôi biết mình đã làm đúng, công sinh không bằng công dưỡng. Mẹ kế đã dành cả một đời cho anh em tôi.