Chẩn đoán bệnh nhân bị u buồng trứng, thế nhưng khi mổ bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương (43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại cắt 2 vòi tử cung của bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi khám lại sau mổ, lại được chẩn đoán chửa ngoài tử cung!

Báo Dân Việt ngày 16/01 đưa thông tin với tiêu đề: “Chuyện hy hữu ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Mổ nội soi bóc u, nhưng lại cắt 2 vòi trứng của bệnh nhân!” cùng nội dung như sau: 

Phản ánh đến đường dây nóng của Báo điện tử Dân Việt, bà Phạm Thị Ngân (SN 1979, trú tại Thanh Hóa) bức xúc khi mới đây bà bị bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương chẩn đoán, chỉ định “mổ một đằng, làm một nẻo”, khiến bà bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề.

Cụ thể, theo bà Ngân, ngày 5/12 do có vấn đề về sức khỏe sinh sản bà có ra Khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám. Tại đây, bà được Tiến sĩ bác sĩ Đoàn Thị Phương Lam- Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu khám. Theo chẩn đoán, bà có u sơ tử cung nhỏ 2cm, u buồng trứng 78x8cm, ứ dịch vòi tử cung.

Tại đây, bà được bác sĩ Lam chỉ định làm phiến đồ PAP mỏng (làm tế bào cổ cung âm đạo- PV). Bệnh nhân được kê thuốc về uống, hẹn khám lại sau 2 tuần.

Lo lắng về khối u buồng trứng, qua người quen giới thiệu bà Ngân đã gửi kết quả khám bệnh nói trên cho PGS.TS Vũ Bá Quyết- nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì được bác sĩ Quyết cho hay khối u to và khuyên nên ra khám lại để mổ.

Ngày 10/12, bà Ngân được một nhân viên Bệnh viện Phụ sản Trung ương gọi điện thông báo kết quả làm tế bào bình thường nên bệnh nhân không phải lo lắng.

Theo lịch hẹn khám lại, ngày 24/12 bà Ngân quay lại Bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám. Tại đây, bà được Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Thu Nga chẩn đoán bị u buồng trứng, xin hội chẩn tại Khoa Phụ I phòng 107 nhà A.

Cũng tại đây, bà Ngân được các bác sĩ yêu cầu ra phòng khám bệnh ban đầu để lấy kết quả làm tế bào để hoàn thiện hồ sơ nhập viện. Khi ra phòng khám ban đầu, bà Ngân được một nhân viên ở đây trả cho một tờ kết quả làm tế bào cổ cung âm đạo.

Nhưng khi vừa ra khỏi phòng khám bà Ngân bỗng giật mình khi đọc kỹ thông tin trên tờ kết quả không phải của bà vì người tên Ngân trên giấy kết quả này lại sinh năm 1991 và có địa chỉ quê quán ở nơi khác.

Đem thắc mắc này nói với nhân viên y tế, bà Ngân được những nhân viên ở đây tìm trả lại cho giấy xét nghiệm tế bào cổ cung âm đạo đúng tên tuổi, địa chỉ. Bà Ngân được nhân viên cho biết với kết quả tế bào vảy không điển hình (Ascus), hình ảnh tế bào nhiễm HPV…

“Tôi ra lấy kết quả làm tế bào cổ cung âm đạo thì được một bạn trả cho kết quả của một bệnh nhân cũng tên là Phạm Thị Ngân, tôi có hỏi có bị gì không, bạn nói không bị gì. Nhưng khi tôi đi được mấy bước thì phát hiện kết quả nói trên không phải vì bạn Ngân này sinh năm 1991. Sau đó, họ có tìm lại đưa cho tôi đúng kết quả. Người trả kết quả cho biết có tế bào vảy không điển hình (Ascus), hình ảnh tế bào nhiễm HPV…”, bà Ngân nói.

Tiếp đó, ngày 25/12, bà Ngân được PGS.TS Vũ Bá Quyết chẩn đoán u buồng trứng phải 7cm và chỉ định mổ nội soi bóc u, triệt sản.

Ngày 26/12, bà Ngân được nhập viện để chờ mổ. Ngày 31/12, trước khi lên bàn mổ, bà Ngân phải viết giấy cam kết gửi lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng lãnh đạo Khoa Phụ Ngoại cam kết sẽ không kiện tụng gì bệnh viện và khoa nếu khi mổ nội soi bóc u buồng trứng xảy ra biến cố…

Dù PGS.TS Vũ Bá Quyết chỉ định mổ nội soi bóc u, nhưng khi mổ nội soi các bác sĩ đã cắt 2 vòi tử cung của bệnh nhân Ngân.

Việc cắt 2 vòi tử cung của bệnh nhân trái với chỉ định trước đó. Bệnh nhân cũng không hề được thông báo sẽ cắt 2 vòi tử cung.

… Tái khám sau mổ lại chẩn đoán bệnh nhân chửa ngoài tử cung

“Ngày 2/1, tôi được cho ra viện, trước khi ra viện tôi được bác sĩ siêu âm, vị bác sĩ có hỏi tôi mổ gì. Khi được tôi cho biết mổ bóc u buồng trứng thì bạn này siêu âm mãi không thấy vết mổ nào của u buồng trứng. Bạn có thắc mắc, nhưng khi đó tôi mới vừa mổ được 3 ngày sức khỏe còn yếu nên cũng không quan tâm được nhiều, và chỉ biết trả lời bác sĩ rằng giấy tờ thủ tục lúc vào viện ghi là mổ bóc u buồng trứng…”, bà Ngân nói.

Theo bà Ngân, chính bản thân bà không biết việc mình bị các bác sĩ cắt 2 vòi trứng khi mổ vào ngày 31/12. Chỉ đến khi đi khám lại vào ngày 12/1/2025 bà mới phát hiện ra.

“Ngày 12/1, tôi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám lại. Tại đây, tôi được bác sĩ Vũ Ngân Hà chẩn đoán bà bị chửa ngoài tử cung và được chỉ định siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo.

Khi tôi xuống chỗ siêu âm thì bác sĩ siêu âm hỏi tôi siêu âm cái gì, tôi nói em mổ u buồng trứng. Bác sĩ bảo làm gì có u buồng trứng nào đâu, mà cũng không thấy vết mổ u buồng trứng nào. Tôi thấy ghi ở đây của chị là mổ chửa ngoài dạ con…”, chị Ngân nói.

Quá sốc trước thông tin bác sĩ siêu âm cung cấp, bà Ngân quay ngược lại phòng khám nơi chẩn đoán bị chửa ngoài tử cung đề nghị làm rõ thông tin.

Lúc này, các bác sĩ đưa hồ sơ bệnh án ra đọc thì bà Ngân mới biết được bản thân mình không hề có u buồng trứng như các bác sĩ trước đó chẩn đoán. Lúc này, bà mới ngã ngửa ra việc bác sỹ của bệnh viện đã cắt vòi trứng tử cung của bà.

Bất bình trước sự việc bệnh viện tự ý cắt bỏ 2 vòi trứng mà không được biết trước, bà Ngân yêu cầu trả lời, làm rõ. Theo lời bà Ngân, nhiều lãnh đạo khoa, phòng xuống xin lỗi bà Ngân, đồng thời cho biết đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo bệnh viện.

Ngày 14/1, bà Ngân tiếp tục gọi điện đến đường dây nóng của bệnh viện đề nghị bệnh viện bố trí buổi làm việc, làm rõ những bác sĩ tắc trách trong vụ việc, nhưng vẫn chỉ nhận được lời hứa hẹn đã báo cáo lên cấp trên.

“Từ ngày bị cắt 2 vòi trứng, bụng tôi rất đau, bị trướng, khó thở, đi lại khó khăn, sức khỏe xuống nhiều. Ngày 15/01, tôi có đi khám lại ở một bệnh viện ở Thanh Hóa thì phát hiện bụng có ổ dịch khoảng 27mm. Nhiều lần tôi có gọi điện tới đường dây nóng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đề nghị giải quyết vấn đề sức khỏe cho tôi như bệnh viện phải chịu mọi chi phí thăm khám chữa bệnh cho tôi… thì chỉ nhận được lời hứa hẹn sẽ hồi âm lại sau. Sau khi thấy tôi làm quyết liệt thì họ hẹn làm việc với tôi vào sáng ngày 16/1…”, bà Ngân nói.

Trước phản ánh của bà Ngân, ngày 14/1, PV Báo điện tử Dân Việt có liên lạc với PGS. TS Lê Hoài Chương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ông Chương từ chối trả lời vụ việc qua điện thoại, đồng thời đề nghị PV qua bệnh viện làm việc. Khi PV đề nghị chiều ngày 15/1 qua gặp ông Chương để làm việc, tuy nhiên ông Chương bận họp nên khước từ.

Trước đó, báo Tiền Phong ngày 15/01 cũng có bài đăng với thông tin: “Bé gái suýt phải cắt bỏ buồng trứng vì cha mẹ bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo này”. Nội dung được báo đưa như sau:

Đó là trường hợp bé gái T.N.U. (13 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương). Theo bệnh sử, trước khi nhập viện bệnh nhi có biểu hiện đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, kéo dài một ngày kèm buồn nôn. Tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng nên gia đình đã đưa đi kiểm tra.

Qua thăm khám và thực hiện siêu âm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có một nang buồng trứng kích thước 45x60mm nghi ngờ có dấu hiệu xoắn nên tiến hành phẫu thuật khẩn.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện cuộc phẫu thuật cho bệnh nhi

BS. Phạm Nguyễn Hiền Nhân, Khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện cho biết, trong quá trình phẫu thuật, ê kíp ghi nhận tại vòi buồng trứng bên phải của bệnh nhi có một nang kích thước khoảng 5cm. Vòi buồng trứng của trẻ bị xoắn 7 vòng, buồng trứng và vòi trứng có dấu hiệu sắp hoại tử. Sau khi tháo xoắn, buồng trứng và vòi trứng được tưới máu trở lại.

“Đây là một nang tai vòi đơn thuần, khả năng lành tính cao. Tuy nhiên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nội soi bóc nang, giúp bảo tồn toàn bộ vòi trứng cùng buồng trứng phải. Nếu phẫu thuật trễ hơn, buồng trứng có thể hoại tử hoàn toàn và không thể giữ lại được. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã bình phục tốt” – BS.Hiền Nhân nói.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm, xoắn buồng trứng hay xoắn tai vòi là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở bé gái. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi năm tiếp nhận khoảng hơn 100 ca phẫu thuật cấp cứu liên quan đến xoắn buồng trứng.

Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân thường gặp gây xoắn buồng trứng bao gồm các loại u buồng trứng, trong đó các u lành tính thường dễ gây xoắn hơn so với u ác tính, các dạng nang lành tính của buồng trứng hoặc vòi trứng có kích thước lớn. Nếu được phẫu thuật kịp thời, buồng trứng có thể được bảo tồn và tránh nguy cơ hoại tử. Để tránh nguy hiểm cho trẻ, thấy con có biểu hiện bất thường, phụ huynh nên đưa đến bệnh viện sớm để được thăm khám, can thiệp kịp thời.