Web drama (phim chiếu mạng) “Mẹ lao công học yêu” vừa chiếu đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ khán giả. Nhiều người gắn mác phim là “thảm họa”.

Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, nhiều web drama với nội dung nhảm nhí, thậm chí dung tục ra đời, nhận về nhiều phản ứng gay gắt từ người xem. Mẹ lao công học yêu mới lên sóng tập đầu tiên ngày 19/12 là một trong những phim đang gây tranh cãi dữ dội về kịch bản.

Phim kể về người phụ nữ trung niên giàu có tên Mỹ Hằng (diễn viên Thùy Trang), vì muốn trải nghiệm cuộc sống của một nhân viên tạp vụ nên đã đóng giả lao công.
Phim Việt về nữ lao công yêu tổng tài kém 20 tuổi bị chê thảm họa - 1Diễn viên Thùy Trang đảm nhận vai nữ chính trong web drama “Mẹ lao công học yêu” (Ảnh: Nhà sản xuất).

Trong một đêm làm việc, Mỹ Hằng vô tình bắt gặp cảnh đại tiểu thư của tập đoàn là Kiều Anh Thư “chuốc thuốc” Trần Nhật Duy (Huy Cường đóng) – chủ tịch trẻ của một tập đoàn lớn – rồi đưa anh vào phòng ngủ. Mỹ Hằng thấy vậy liền lao vào can ngăn, giúp chủ tịch trẻ tuổi thoát khỏi âm mưu của Kiều Anh Thư.

Sau đó, Nhật Duy đã qua đêm với Mỹ Hằng, anh còn đưa cho cô một khoản tiền và muốn đăng ký kết hôn với cô như cách “chịu trách nhiệm”. Qua vài lần tiếp xúc, Nhật Duy nhanh chóng rơi vào lưới tình với người phụ nữ hơn mình 20 tuổi.

Mối tình bị cấm cản vì nữ chính là bạn cũ của bố mẹ nam chính. Thậm chí, bố Nhật Duy từng cầu hôn Mỹ Hằng nhưng bị từ chối.

Sau khi ra mắt, phim nhận vô số lời chỉ trích cho rằng nội dung nhảm nhí, nhiều tình tiết phi lý, làm lố để “câu view”.

Khán giả chê lời thoại của phim thô thiển, sến sẩm và gượng gạo với những câu như: “Chị nghỉ việc ở nhà đi, ở nhà tôi nuôi” hay “Đây là 10 tỷ đồng, cầm lấy và biến khỏi con trai của tôi”…

Bối cảnh phim cũng bị đánh giá là khá sơ sài, diễn viên đóng không ra dáng nhân vật chủ tịch hay tiểu thư, con nhà tài phiệt.

Khán giả bày tỏ bức xúc: “Phim gì mà dở từ kịch bản đến diễn viên chính, diễn viên phụ”; “Sao không học cách làm phim chuyên nghiệp, hiện đại của người ta mà làm mấy phim nhảm nhí như thế này”; “Lời thoại đáng sợ, nội dung rẻ tiền, biến thái”…

Thực chất, Mẹ lao công học yêu có kịch bản tương đồng với Tổng tài yêu tôi, một phụ nữ mãn kinh – bộ phim ngắn đã gây tranh cãi dữ dội rồi bị gỡ tại Trung Quốc.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về tình trạng xuất hiện tràn lan các phim chiếu mạng có nội dung phi lý, nhảm nhí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng, việc này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà trước hết là từ nhu cầu và tâm lý của khán giả trẻ.

Theo ông Sơn, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, có xu hướng tìm kiếm sự giải thoát khỏi áp lực cuộc sống thông qua những câu chuyện tình yêu lãng mạn, vượt ngoài thực tế.

Những dạng như tình yêu giữa tổng tài và cô gái bình thường đánh trúng khát vọng mơ mộng về một mối quan hệ hoàn hảo, điều mà đời sống thường ngày không dễ dàng mang lại.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa đại chúng Trung Quốc cũng đóng vai trò không nhỏ. Trung Quốc có nền công nghiệp giải trí phát triển với nhiều tác phẩm ngôn tình được đầu tư kỹ lưỡng, tạo nên xu hướng tiêu dùng tương tự tại Việt Nam.

Công thức “tổng tài bá đạo” hay các câu chuyện ngôn tình dễ dàng nhân bản, chi phí sản xuất thấp nhưng lại đảm bảo sự phổ biến rộng rãi, khiến các nhà sản xuất nội dung nội địa sẵn sàng sao chép thay vì sáng tạo.

“Thêm vào đó, tôi cho rằng, công nghệ và truyền thông xã hội là yếu tố thúc đẩy lớn. Các nền tảng như TikTok hay YouTube tạo điều kiện cho những nội dung ngắn, kịch tính, dễ xem lan tỏa nhanh chóng.

Những câu chuyện “ăn liền” này không đòi hỏi chất lượng nghệ thuật cao nhưng vẫn thu hút được lượng người xem lớn, mang lại lợi ích kinh tế từ quảng cáo. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh một vấn đề lớn hơn là sự thiếu đa dạng và thiếu định hướng trong lĩnh vực giải trí của chúng ta”, ông Sơn nói.

Nhà văn hóa Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ, việc sản xuất những nội dung này một phần còn do thiếu sự kiểm duyệt chặt chẽ và định hướng phát triển văn hóa phù hợp.

Các nhà sản xuất thường chọn cách đi theo những công thức sẵn có, dễ thành công thay vì đầu tư vào các câu chuyện mới mẻ, chân thực hơn. Trong khi đó, khán giả lại dễ bị cuốn hút bởi những kịch bản giàu tính tưởng tượng, xa rời thực tế, vốn được trau chuốt để đánh vào cảm xúc hơn là tính tư duy.

“Nhìn chung, tôi cho rằng hiện tượng này là kết quả của sự kết hợp giữa nhu cầu thoát ly thực tại, ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài, sự tiện lợi của công nghệ số và những lỗ hổng trong định hướng sản xuất nội dung giải trí nội địa”, ông Sơn cho hay.
Phim Việt về nữ lao công yêu tổng tài kém 20 tuổi bị chê thảm họa - 2“Mẹ lao công học yêu” vừa chiếu đã bị chỉ trích là “thảm họa” bởi nội dung nhảm nhí, phi thực tế (Ảnh: Nhà sản xuất).

Vừa qua, Cục Nghe nhìn Internet thuộc Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Nhà nước Trung Quốc đã ban hành thông báo về việc siết chặt dòng phim nhảm nhí, yêu đương công sở, có yếu tố “tổng tài bá đạo” vì xuất hiện quá nhiều chi tiết phi lý, xa rời thực tế và ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nhân.

Bày tỏ quan điểm với phóng viên về việc làm trong sạch các sản phẩm mạng, những cơ chế, biện pháp cụ thể để kiểm soát nội dung của dòng phim này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đưa ý kiến, ở Việt Nam, các cơ quan quản lý văn hóa cũng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát nội dung của dòng phim và truyện ngôn tình.

Theo ông Sơn, trước hết, cơ chế kiểm duyệt nội dung là một công cụ quan trọng. Các tác phẩm phim ảnh hoặc xuất bản phẩm đều phải trải qua quá trình thẩm định để đảm bảo không vi phạm các quy định pháp luật về văn hóa, không chứa các yếu tố đi ngược thuần phong mỹ tục hay gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội.

Ngoài ra, việc xây dựng các văn bản pháp luật, nghị định liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa cũng được chú trọng, định hướng nội dung sáng tạo sao cho vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa không làm lệch lạc nhận thức, đặc biệt với khán giả trẻ.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý còn phải khuyến khích sản xuất các tác phẩm có giá trị giáo dục và nhân văn. Những dự án phim, truyện được đầu tư với nội dung sáng tạo, phản ánh chân thực cuộc sống thường nhận được sự hỗ trợ hoặc động viên từ phía Nhà nước, tạo đối trọng với các dòng phim có yếu tố phi thực tế, lãng mạn hóa quá mức.

Một điểm nữa là tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của khán giả, đặc biệt là người trẻ. Các chương trình giáo dục truyền thông hoặc tổ chức hội thảo về ảnh hưởng của nội dung văn hóa đại chúng có thể giúp người xem phân biệt giữa giải trí và đời thực, tránh việc tiếp nhận nội dung một cách thụ động hoặc phiến diện.

“Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng sự kiểm soát này cần đi đôi với việc tạo môi trường cho sự sáng tạo. Không nên “siết chặt” đến mức kìm hãm khả năng khai thác các chủ đề hấp dẫn hay lãng mạn, miễn là chúng được thực hiện có trách nhiệm và cân bằng giữa yếu tố giải trí và giá trị thực tiễn.

Vì vậy, điều quan trọng là duy trì một sự hài hòa giữa quản lý, định hướng và khuyến khích sự sáng tạo bền vững trong lĩnh vực văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.