Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm người, trong khi lao động xếp hàng xin việc vẫn không được tuyển dụng là một thực tế đang diễn ra hiện nay tại TPHCM. Một trong những nguyên nhân là cơ cấu ngành nghề và đào tạo nghề chưa theo kịp thị trường.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM, trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Những tháng gần đây, sàn giao dịch việc làm TPHCM liên tục tổ chức các phiên chợ việc làm thu hút hàng chục doanh nghiệp (DN) và cả nghìn lao động tham gia. Tuy nhiên, lượng người đến tư vấn và xin việc rất đông, nhưng DN vẫn than “tuyển không được, thiếu lao động”. Vì sao có tình trạng tréo ngoe này, thưa ông?

TPHCM: Thừa lao động , thiếu nhân lực có trình độ- Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM

Ông Trần Anh Tuấn: Trung bình mỗi năm, TPHCM nhu cầu cần bố trí việc làm có trên 300.000 người, trong đó gần 100.000 người là sinh viên, học sinh tốt nghiệp đại học và trên 200.000 tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Trong tổng số nhu cầu tuyển dụng tại thành phố, có trên 40% nhu cầu lao động chất lượng cao với các ngành nghề kỹ thuật công nghệ thông tin, quản lý kinh tế, tài chính, hành chính, giáo dục, y tế… Dù thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo sát, thông tin và định hướng phát triển các ngành nghề cho cân đối nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều nút thắt khiến ngành nhân lực mất cân đối, trong đó có 2 nghịch lý lớn nhất là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề.

Đầu tiên là mất cân đối trong cơ cấu trình độ nghề diễn ra khá phức tạp. Nhu cầu nhân lực lao động có trình độ đại học tại TPHCM hằng năm là 18 -22 %, trình độ cao đẳng và trung cấp hơn 50%, nhưng thực tế, người có nhu cầu tìm việc, trình độ đại học trở lên lại chiếm hơn 60%. Tiếp đó, dù thành phố đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển (4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu), đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh.

Cuối năm, có hiện tượng nhiều thủ phủ nhà trọ vắng công nhân, lao động bỏ phố về quê và không trở lại nữa. Chúng ta cần làm cách nào để giữ chân lao động lâu dài?

– Biến động lao động trong các DN tại TPHCM và vùng kinh tế phía Nam là rất lớn, nhất là các DN tư nhân. Ước tính cứ 3 nhân sự được DN tuyển dụng mới thì có 2 lao động sẽ tìm bến đỗ mới. Tỷ lệ biến động trong lao động bình quân 40 – 50%, thậm chí có DN tư nhân trong nước tỷ lệ này lên tới 50 – 60%.

Thực trạng này nói lên nhiều điều. Thứ nhất, người lao động đang làm việc không đúng chuyên môn hoặc chưa được chủ sử dụng bố trí công việc phù hợp, dẫn đến tâm lý chán nản và muốn nhảy việc. Thứ hai là DN đang lấp chỗ trống tạm thời khi nguồn cung lao động chất lượng đủ điều kiện chưa có. Và cuối cùng là tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ” của một bộ phận người lao động.

TPHCM: Thừa lao động , thiếu nhân lực có trình độ- Ảnh 2.

Sinh viên tìm việc làm tại Ngày hội việc làm cuối tháng 11/2024

Để giữ chân lao động, DN cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người lao động, đảm bảo việc làm lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là gen Z.

Theo ông, cần chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp ra sao để cung – cầu giữa người lao động và DN gặp nhau?

– Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực trong thời đại số tăng cao so với yêu cầu về kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm… Thách thức cho người lao động bao gồm việc cập nhật kiến thức liên tục và thích nghi với công nghệ mới. Vì vậy, các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp ngoài đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất, hoàn thiện chương trình học, còn cần có phương pháp đào tạo hiệu quả bao gồm việc tích hợp học tập liên tục vào quy trình làm việc và tạo điều kiện để nhân viên phát triển kỹ năng cần thiết.

Các tổ chức, DN trước công cuộc chuyển đổi số nên thấu hiểu xu thế toàn cầu, cần thích ứng với sự thay đổi trong cơ cấu lực lượng lao động vì có sự tham gia của phần lớn lao động gen Z.

Người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi… Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào công việc để nâng cao năng suất lao động. Cần rèn luyện cho mình kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức, thái độ khi tiếp cận với vị trí việc làm… để sẵn sàng tiếp cận các vị trí việc làm mới.

Cám ơn ông.