Với phụ nữ trên 60 tuổi, buồng trứng đã không còn nên cách duy nhất để mang thai là xin noãn từ phụ nữ khác để thụ tinh ống nghiệm.

Câu chuyện về cặp vợ chồng hơn kém nhau 36 tuổi Thu Sao (62 tuổi) và Hoa Cương (26 tuổi) ở Cao Bằng tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận khi mới đây, cô dâu Thu Sao tiết lộ đã mang bầu, thai đã khá lớn kể từ sau đám cưới vào cuối tháng 9/2018.

Ngoài những lời chúc mừng dành cho cặp vợ chồng mới cưới, nhiều người lo lắng cho sức khoẻ của bà bầu, nhất là khi đã ở tuổi xưa nay hiếm để mang thai và cũng không ít người hoài nghi về câu chuyện này.

{keywords}

Thu Sao khoe bụng bầu đã lùm lùm sau hơn nửa năm kết hôn với chồng trẻ

Đứng trên góc độ khoa học, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô – Phôi, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, phụ nữ nhiều tuổi muốn có con có 2 khả năng.

Nếu buồng trứng vẫn có nang noãn thì bác sĩ có thể tiêm kích thích trứng để trứng phát triển lại, tuy nhiên cũng có trường hợp kích được trứng nhưng trứng không thụ tinh được.

Nghiên cứu tại trung tâm cho thấy, với phụ nữ trên 40 tuổi, có tới 90% phôi tạo ra từ trứng của những phụ này có bất thường nhiễm sắc thể, không thể phát triển thành con được

Với trường hợp 62 tuổi, PGS Hà cho biết, phụ nữ từ 45-55 tuổi đã mãn kinh, do đó nếu 62 tuổi sẽ không còn khả năng sinh sản tự nhiên do buồng trứng đã teo lại, thậm chí tử cung cũng teo, kích trứng cũng vô tác dụng. Để có thai, cách duy nhất là xin noãn của phụ nữ khác để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ phải chỉ định dùng thuốc nội tiết vài chu kì để tái tạo niêm mạc dần dần, sau đó mới cấy phôi được.

Về thủ tục xin noãn, PGS Hà cho biết cần có sự đồng ý của cả 2 vợ chồng người cho và 2 vợ chồng người nhận. Sau đó cả 2 cặp có thể mang giấy tờ đến bất kỳ trung tâm hỗ trợ sinh sản nào để thực hiện. Các giấy tờ gồm CMND, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy cam kết cho – nhận.

Theo PGS Hà, phụ nữ tuổi càng cao, khả năng giữ thai càng kém, nguy cơ thai chết lưu càng cao do nội tiết của mẹ kém, khó giữ thai. Thống kê tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới cho thấy, với những người trên 40 tuổi, khả năng giữ thai sau làm thụ tinh ống nghiệm chỉ đạt 50%.

Ngoài nguy cơ sảy thai, việc mang thai khi tuổi đã lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ cả mẹ và con, trong đó nguy cơ đái tháo đường cao gấp 3-6 lần so với phụ nữ mang thai trong độ tuổi từ 20-29.