Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thông tin “nam thanh niên thu được 50 triệu/ngày do tố giác vi phạm giao thông” là không đúng sự thật.

Ngày 04/01/2025 Vietnamnet đưa tin “Bác bỏ thông tin ‘nam thanh niên thu 50 triệu do tố giác vi phạm giao thông'”. Nội dung chính như sau:

Tối 3/1, trên mạng xã hội, nhiều tài khoản đăng tải và chia sẻ thông tin: “Hà Nội: Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông”.

Thông tin được các trang mạng đăng tải, chia sẻ. Ảnh chụp màn hình

Sau khi nắm bắt thông tin, đại diện Phòng CSGT khẳng định đây là thông tin cắt ghép sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng xấu đến tinh thần của phong trào: Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đang được thực hiện hiệu quả.

Cũng theo đại diện Phòng CSGT, trong năm 2024, đơn vị thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông”. Qua đó, xử lý 2.609 trường hợp vi phạm, xử phạt 2,7 tỷ đồng.

Phòng CSGT tiếp nhận thông tin phản ánh qua trang Zalo Phòng CSGT. Ảnh: Đình Hiếu

Hiện tại, Công an Thành phố Hà Nội đang triển khai trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 để người dân phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

“Cơ quan công an đề nghị người dân chủ động tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn giao thông”, đại diện Phòng CSGT nhấn mạnh.

Các thông tin phản ánh của người dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác.

Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải đảm bảo tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật. Phòng CSGT Công an Thành phố khẳng định, người dân khi cung cấp thông tin được đảm bảo bí mật về danh tính.

Ngày 2/1/2025, báo An ninh thủ đô đã đăng tải bài viết với tiêu đề:”Lưu ý: Vi phạm giao thông bỏ lại xe có thể bị cưỡng chế trừ lương, trừ tiền tài khoản”. Nội dung cụ thể như sau:

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo Nghị định này, người điều khiển xe đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe máy không gắn biển số; gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 8-10 triệu đồng sẽ áp dụng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư…

Nghị định cũng nêu rõ mức phạt tiền từ 10-14 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc…

Bên cạnh đó, cá nhân điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 2-10 triệu đồng.

Do mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông khá cao nên thực tế có không ít cá nhân vi phạm khi bị lực lượng chức năng xử phạt đã cố tình không nộp phạt, “bỏ của chạy lấy người”.

Về chế tài xử lý đối với hành vi này, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Do đó, nếu người vi phạm trốn tránh không nộp phạt mà bỏ xe lại thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Trường hợp hết thời hạn trên mà cá nhân vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng các hình thức:

Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; Thu tiền, tài sản khác của người bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người khác đang giữ trong trường hợp người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; Buộc khắc phục hậu quả theo quy định.

Như vậy, nếu cá nhân vi phạm giao thông cố tình không nộp phạt, bỏ lại xe vẫn phải đóng phạt theo quyết định xử phạt hành chính, nếu không chấp nhận quyết định xử phạt thì có thể bị cưỡng chế.

Về việc xử lý phương tiện của người vi phạm hết thời hạn tạm giữ mà không đến nhận, theo Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần 2 nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…