Đến khi không thể xoay nổi tiền trả cho nhân viên, tôi cho nghỉ hết và bản thân tự làm thì cũng là lúc số khách đến quán không đủ bù chi. Cuối cùng tôi phải đóng cửa quán vì chủ nợ đến quấy phá và khách sợ không dám đến uống cà phê.

Vợ tôi là người phụ nữ hiền lành đảm đang tháo vát, làm việc gì cũng đặt chồng con lên đầu tiên, sau mới là bản thân. Thế nên tôi rất tin yêu vợ, tiền lương hàng tháng giao cho vợ giữ hết, việc chăm lo cho nội ngoại tôi để cô ấy quyết.

Chuyện học hành của các con, tôi cũng phó thác cho vợ, còn bản thân chỉ đứng ngoài hưởng thành quả. Nhiệm vụ của tôi chỉ là đi kiếm tiền và về ăn cơm vợ nấu, tối lên giường ngủ cùng vợ.

2 năm trước, tôi bị mất việc nên phải nghỉ ở nhà một thời gian. Vợ khuyên tôi nghỉ ngơi vài tháng rồi tiếp tục xin việc công ty khác nhưng tôi thấy mệt mỏi khi phải làm công cho người ta lắm rồi.

Tôi bàn với vợ mua lại quán cà phê của người bạn muốn sang nhượng nhưng cô ấy không đồng ý:

“Quán đó người ta buôn bán ế ẩm, không có khách mới phải sang nhượng, họ cố thoát chẳng được, sao anh lại muốn lao vào. Em không đồng ý cho anh mua đâu”.

Tôi rất tin yêu vợ, tiền lương hàng tháng giao cho vợ giữ hết. (Ảnh minh họa)

Bị vợ cản, tôi tức giận nói:

“Số tiền 3 tỷ kia là do mồ hôi công sức của anh bỏ ra mới có được, đâu phải tiền của em, tại sao lại ngăn cản chồng. Dù cho em nói thế nào đi nữa thì anh vẫn kiên quyết mua bằng được quán đó”.

Trước sự dứt khoát của tôi khiến vợ buông xuôi để cho chồng muốn làm gì thì làm, cô ấy không ngăn cản nữa. Khi chiếm được quyền sử dụng số tiền đó, tôi bắt tay ngay vào việc là mua lại quán cà phê, sau đó sửa sang toàn bộ quán theo xu hướng của giới trẻ đang chuộng.

Vì muốn thu hút khách đến quán, tôi thuê nhiều nhân viên trẻ đẹp đến làm. Tôi xác định năm đầu tiên sẽ chịu lỗ nên hạ giá bán xuống mức thấp nhất để thu hút khách. Với sự đầu tư mạnh tay của tôi nên năm đầu tiên có khá đông khách nhưng đổi lại tôi bị hụt vốn.

Khi tiền tiết kiệm đã sử dụng hết, tôi đi vay bên ngoài và có tính lãi để duy trì hoạt động của quán. Sợ vợ biết được sẽ lại ngăn cản càm ràm nên tôi vay tiền mà không cho cô ấy biết.

Thấy lượng khách đã ổn, tôi quyết định tăng giá bán và bớt nhân viên phục vụ. Vào đúng thời điểm đó, bên cạnh có một quán cà phê cóc mọc lên khiến khách bỏ tôi đi vợi.

Tiền lãi phải trả hàng tháng, thu nhập giảm sút khiến tôi lao đao, cứ vay chỗ này trả chỗ khác. Đến khi không thể xoay nổi tiền trả cho nhân viên, tôi cho nghỉ hết và bản thân tự làm thì cũng là lúc số khách đến quán không đủ bù chi. Cuối cùng tôi phải đóng cửa quán vì chủ nợ đến quấy phá và khách sợ không dám đến uống cà phê.

Trước sự dứt khoát của tôi khiến vợ buông xuôi để cho chồng muốn làm gì thì làm. (Ảnh minh họa)

Khi số nợ của tôi lên đến 2 tỷ, sợ vợ con bị liên lụy nên tôi viết đơn ly hôn yêu cầu vợ ký vào. Nhìn thấy tờ đơn của tôi đưa cho, vợ ngớ người hỏi:

“Gia đình đang yên ổn hạnh phúc, tại sao anh muốn ly hôn?”.

Có lẽ vợ tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nên không biết về chuyện nợ nần của chồng. Cô ấy rất sốc khi biết tôi đang nợ một số tiền lớn, vợ trách:

“Tại sao khi bắt đầu vay tiền tính lãi, anh không nói cho em biết để em lo liệu, em có thể xoay xở giúp anh được mà. Bây giờ số nợ lên cao thế này rồi mới nói cho vợ biết thì phải làm sao đây?”.

Tôi bảo chủ nợ đang ráo riết đòi nợ và muốn siết nhà, chỉ còn cách ly hôn và tôi bỏ đi biệt tích thì nhà không bị mất và vợ con được yên ổn. Vợ lắc đầu nói:

“Nợ người ta phải trả, anh có thể lẩn trốn cả đời không. Đời bố mẹ nợ nần không trả được sẽ ảnh hưởng đến các con sau này. Ông bà ngoại cho em một mảnh đất nhưng chưa bao giờ nói cho anh biết. Em sẽ bán mảnh đất đó để cứu chồng, mong rằng đây là bài học để anh rút kinh nghiệm và không bao giờ tái phạm”.

Lời vợ vừa dứt, tôi quỳ sụp xuống cảm ơn cô ấy đã cứu chồng, cứu gia đình khỏi tan vỡ. Tôi đã khóc trong hối hận xen lẫn hạnh phúc.