Tôi dứt khoát đứng dậy nói với mẹ chồng rằng chuyện về ngoại ăn Tết chỉ là thông báo, chứ bà không có quyền bắt ai phải xin phép cả.

Ngày bé, cứ đến Tết là tôi háo hức, làm cái gì cũng thấy vui. Nhưng càng lớn thì niềm vui ấy càng giảm bớt và từ lúc lấy chồng thì tôi lại càng sợ Tết hơn.

Lý do bởi tôi cưới đúng chồng nhưng gia đình chồng thì ngược lại. Bố chồng ốm đau quanh năm, lúc nào cũng than thở sầu não. Em trai chồng đi xuất khẩu lao động nghe nói lương cao nhưng chưa bao giờ gửi tiền về nhà. Mẹ chồng thì tính nết thất thường, lúc vui lúc buồn, lúc dễ tính lúc gắt gỏng.

Ngay bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, tôi đã biết mình sai. Khuyên chị em trước lúc cưới phải dứt khoát chuyện ở riêng, chứ ở chung thì kiểu gì cũng xích mích. Mẹ chồng tôi là kiểu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” nên ngày nào tôi cũng đau đầu đủ thứ chuyện. Sau một thời gian bị bà soi mói từng xu đi chợ, tôi quyết định sẽ đưa bà 5 triệu sinh hoạt phí để “chuyển nhượng” việc chi tiêu. Song, như vậy cũng chẳng yên vì mẹ chồng lại quay sang bóng gió nói con dâu lười biếng, đi kể với hàng xóm là việc gì cũng đùn đẩy hết cho bà.

Dù tôi cố gắng thế nào thì mẹ chồng cũng không vừa ý. Cách biệt thế hệ cộng thêm tính “sáng nắng chiều mưa” khiến bà thành người khó chiều vô cùng. Tuy nhiên tôi vẫn thương mẹ chồng vì cuộc sống của bà cũng nhiều vất vả. Chăm chồng chăm con xong, đến tuổi xế chiều vẫn chẳng được thoải mái lắm. Có mỗi chồng tôi quan tâm đến mẹ, đi làm bao năm luôn san sẻ với mẹ chứ cậu em trai thì chẳng trông cậy được gì.
Mẹ chồng bắt thông gia gọi điện xin phép mới cho con dâu về ngoại ăn Tết mùng 5-1

3 năm làm dâu, tôi nhịn bà khá nhiều. Biết lắm lúc mẹ chồng vô lý nhưng tôi cũng chẳng phải đứa đành hanh. Mẹ ruột khuyên tôi cố gắng cân bằng mối quan hệ, rồi vài năm nữa lựa lúc thích hợp thì 2 vợ chồng dọn ra ở riêng. Tôi cũng nghĩ như vậy nên tâm sự với chồng từ trước. Anh thông cảm cho tôi rất nhiều nên không phản đối gì.

Năm nay cậu em chồng về nước ăn Tết, đúng 23 tháng Chạp cậu ấy đoàn tụ với gia đình. Cậu em mang theo cả cô bạn gái, chẳng biết gia cảnh kiểu gì mà cô ấy lại ở nhà chồng tôi xuyên Tết luôn. Mẹ chồng tôi vui lắm, từ bấy đến nay bà cứ cười suốt thôi. Tôi tự nhủ như vậy cũng may. Có thêm đứa em dâu tương lai thì tôi cũng đỡ bị mẹ cằn nhằn. Năm nào Tết, bà cũng bày vẽ, nhà neo người nhưng cỗ bàn cứ ê hề ra. Nấu nướng mất công mà dọn cũng khổ.

Tưởng năm nay đón Tết nhẹ hơn rồi nhưng hóa ra tôi đã lầm. Đang bầu 4 tháng nên tôi thèm cháo bố nấu lắm. Nửa năm chưa về ngoại nên tôi bàn với chồng mùng 2 về xong ở đến mùng 4 ăn hóa vàng luôn. Thương vợ 3 năm không được đón Tết bên ngoại nên chồng đồng ý ngay tức khắc. Nhưng đến lúc anh xin phép mẹ hộ tôi thì sóng gió tràn lên.

Mẹ chồng vừa ngồi cắn hạt dưa vừa xem tivi, nghe con trai trình bày ước nguyện về ngoại ăn Tết của con dâu xong thì bà thủng thẳng đáp: “Về cũng được thôi, nhưng bố mẹ nó phải gọi điện xin phép chứ ai lại để chồng xin hộ? Mà nhà đầy việc ra, còn có em dâu ở đây nữa, định bắt em nó nấu nướng rửa bát hết hay sao mà mùng 2 đã trốn rồi? Mùng 5 mới được về, không thì nghỉ”.

Được cả bạn gái của cậu em chồng cũng chẳng vừa. Nó ngồi cạnh lanh chanh xòe tay ra bảo chị phải rửa bát hộ em chứ móng tay em làm đắt đỏ, sợ hỏng nên không rửa được (?!?)

Tôi nghe họ nói xong mà xây xẩm mặt mày. Tại sao không ai tôn trọng tôi, không ai nghĩ đến cảm xúc của tôi vậy? Cả năm cơm nước dọn dẹp nhà chồng rồi, tôi chỉ muốn về ngoại đúng 2 ngày Tết. Thế mà mẹ chồng còn ra điều kiện quá quắt không hiểu nổi. Bắt bố mẹ tôi gọi điện xin phép ư. Không đời nào.

Lần này thì tôi không nhịn nữa. Tôi đứng dậy nói với mẹ chồng rằng xin bà về ngoại chỉ là phép lịch sự, chứ bà không có quyền làm khó con dâu như thế. Tôi vẫn lo đủ trách nhiệm dâu lớn hết ngày mùng 1 Tết. Mùng 2 thì cơm cúng 2 bữa đơn giản, nhà ít người có gì đâu mà phải bắt tôi ở lại? Năm nào cũng mùng 5 hóa vàng thì hết mùng 4 tôi từ bên ngoại trở về rồi. Mắc gì mùng 5 mới cho tôi đi?

Chưa sang năm mới đã thấy nhọc. Đến lúc tôi đẻ thì mẹ chồng còn khó tính đến mức nào nữa đây?…