500 triệu kia là tiền vợ chồng tôi tích góp trong vài năm, muốn để mẹ an hưởng tuổi già, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho hai vợ chồng về sau. Sao giờ nói cho là cho được chứ?

Kết hôn 7 năm, cuộc sống của vợ chồng tôi khá ổn định. Chúng tôi đã mua được một căn nhà ở thành phố, còn mẹ chồng vẫn sống một mình ở quê. Thỉnh thoảng, bà từ quê lên ở chơi nhà tôi vài ngày. Mối quan hệ trong gia đình tôi vẫn luôn hòa thuận, không có xích mích gì.

Tuy nhiên, hơn 5 năm trước, công ty của chồng gặp khó khăn, thậm chí có tháng nợ lương nhân viên. Biết chúng tôi gặp khó khăn, mẹ chồng thường xuyên gửi đồ ăn từ quê lên cho vợ chồng tôi. Trong mỗi thùng đồ mẹ gửi, ngoài rau củ bà tự tay trồng, con gà bà nuôi thì luôn có thêm một chiếc phong bì nhỏ, bên trong có 1-2 triệu.

Tôi hiểu tấm lòng của mẹ chồng, nhưng cũng biết khoản lương hưu của bà chỉ đủ cho chi tiêu hàng ngày. Nếu cứ đưa tiền cho chúng tôi thế này, về già mẹ sợ rằng mẹ sẽ chẳng còn đồng nào trong người.

Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định không động vào số tiền này, nhưng cũng không từ chối tấm lòng của mẹ vì sợ mẹ buồn. Thay vào đó, chúng tôi sẽ lập quỹ hưu trí cho mẹ chồng. Khi mẹ cho tiền, chúng tôi sẽ để tiền mẹ cho vào quỹ ấy, đồng thời mỗi tháng hai vợ chồng cũng góp thêm một khoản cho vào đó.

Khi thấy số tiền đã lên đến 500 triệu, chúng tôi quyết định mở sổ tiết kiệm và đưa cho mẹ chồng. Bà rất cảm động khi nhận món quà này, khen tôi là một nàng dâu hiền thảo. Lúc đó, tôi cảm thấy những nỗ lực của mình trong những năm qua thật sự có ý nghĩa.

Khi thấy số tiền đã lên đến 500 triệu, tôi đã đưa cho mẹ chồng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi cách đây 2 năm, mẹ chồng gọi điện cho tôi với giọng điệu lo lắng, bảo chúng tôi về quê gấp. Khi hai vợ chồng về đến nơi, mẹ chồng liền đi thẳng vào vấn đề:

– Vợ chồng chị gái các con mở công ty. Nhưng gần đây, chúng nó mắc nợ tiền tỷ, gia đình chúng nó đang sống rất chật vật. Mẹ nghĩ, hay là lấy 500 triệu kia cho vợ chồng nó trả nợ, được chút nào hay chút ấy.

Nghe mẹ nói thế, tôi không thể kiềm chế nổi cảm xúc của mình. 500 triệu kia là tiền vợ chồng tôi tích góp trong vài năm, muốn để mẹ an hưởng tuổi già, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho hai vợ chồng về sau. Sao giờ nói cho là cho được chứ? Rồi đến lúc mẹ ốm đau bệnh tật, tiền đâu ra? Đến khi ấy không phải lại móc từ tiền túi của chúng tôi sao?

Mẹ chồng thấy tôi phản ứng gay gắt cũng tỏ ra không thoải mái. Bà nói:

– Số tiền này là để phòng khi khó khăn, giờ chị gái các con đang gặp khó khăn, chẳng lẽ không phải là lúc cần giúp đỡ sao?

Chồng đồng tình với mẹ, cố gắng thuyết phục tôi, nhưng tôi không thể chấp nhận. Số tiền này là để mẹ an dưỡng tuổi già, không phải để trả nợ cho ai. Vợ chồng chị gái làm ăn, giờ thua lỗ lại bắt chúng tôi gánh vác, đâu ra cái lý đó.

Mẹ chồng đề nghị đưa tiền chúng tôi biếu bà cho chị gái trả nợ. (Ảnh minh họa)

Mẹ chồng nhíu mày, giọng điệu cũng trở nên cứng rắn hơn:

– Con rất hiếu thảo, nhưng khi gia đình gặp khó khăn, chúng ta không thể đứng nhìn.

Rõ ràng, bà đã quyết phải giúp đỡ vợ chồng chị gái. Thấy không khí căng thẳng, chồng tôi liền đề xuất cho chị 200 triệu, còn mẹ giữ lại 300 triệu phòng thân, nhưng mẹ chồng vẫn không hài lòng, muốn đưa hết.

Sau khi được chồng phân tích, vợ chồng tôi thống nhất đưa ra một phương án khác. Đó là để mẹ cho chị gái 200 triệu, 300 triệu để bà giữ phòng thân. Là cho hay cho vay, sau này chị trả lại hay không là chuyện giữa mẹ và chị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ cho vợ chồng chị gái vay thêm 300 triệu nữa, không lấy lãi để giải quyết khoản vay nặng lãi. Đến lúc này, mẹ chồng mới chịu đồng ý.

Dẫu vậy, sau chuyện này tôi cảm nhận rõ ràng rằng mẹ chồng đối xử lạnh nhạt với tôi hơn, mỗi lần gặp gỡ cũng chỉ là những cuộc trò chuyện hời hợt. Về khoản tiền kia, chị gái đã trả lại được vài triệu, không biết bao giờ mới trả hết.

Sự việc này đã dạy tôi một bài học: tình cảm gia đình là quan trọng, nhưng ranh giới kinh tế cần phải rõ ràng, đặc biệt là trong việc sử dụng tiền bạc trong gia đình, không thể mập mờ.

HẠO PHI