Giáo viên thuộc các trường công lập không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng, do đó không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường.

Ngày 14.2, ông Trần Sĩ Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, cho biết triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29), Sở KH-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.

Cụ thể, đối với hình thức đăng ký hộ kinh doanh, theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP không nghiêm cấm giáo viên thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh thành lập để tổ chức dạy thêm, học thêm thì chủ hộ kinh doanh sẽ phải quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ phát sinh từ lớp dạy thêm ngoài nhà trường.

Giáo viên công lập không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm- Ảnh 1.

Sở GD-ĐT Đắk Nông

ẢNH: T.X

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 29, giáo viên thuộc các trường công lập không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng. Do đó, giáo viên thuộc các trường công lập không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường.

Đối với hình thức đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 luật Doanh nghiệp 2020 có 7 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, có cán bộ, công chức, viên chức, theo quy định của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức. Như vậy, giáo viên tại các trường công lập là viên chức sẽ không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.

ề ngành nghề và điều kiện kinh doanh thì tổ chức, cá nhân sử dụng mã cấp 4 (bốn số) tại quyết định số 27/2018/QĐ-TTg (ngày 6.7.2018) của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để đăng ký.

Các mã ngành liên quan đến dạy thêm có thể tham khảo, gồm: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu, mã ngành 8559; Dịch vụ hỗ trợ giáo dục, mã ngành 8560; Giáo dục thể thao và giải trí, mã ngành 8551; Giáo dục văn hóa nghệ thuật, mã ngành 8552; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu, mã ngành 7490.

Luật Đầu tư năm 2020 không quy định việc dạy thêm ngoài nhà trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Người thân giáo viên đứng tên chủ hộ kinh doanh dạy thêm cần điều kiện gì?

Đối với hộ kinh doanh đăng ký mã ngành 8559 để dạy thêm – đây không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng không yêu cầu về trình độ, bằng cấp của người đăng ký kinh doanh.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:

– Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh;

– Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Trong đó, cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:

– Người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định các điều kiện khác đối với người đăng ký hộ kinh doanh như:

– Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

– Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.