Tiêu Tết với mức ngân sách tối thiểu, gia đình này khiến nhiều người cảm thấy “thật không thể tin nổi”.

Sắp Tết rồi, câu chuyện chuẩn bị tiền tiêu Tết lại bắt dầu trở thành chủ đề thu hút được sự quan tâm của không ít người. Dễ hiểu thôi, Tết mà, nhu cầu chi tiêu mà kể ra có khi đến mai cũng chẳng hết, nhưng ngân sách lại có hạn, thành ra cũng phải đau đầu cân đối, cắt khoản này, giảm khoản kia.

Gia đình 4 người “gây shock” với kế hoạch tiêu Tết tiết kiệm đến mức… khó tin!

Mới đây, trong 1 cộng đồng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, bảng kế hoạch tiêu Tết của 1 cô vợ khiến nhiều người xem xong mà phải “mắt chữ O, miệng chữ A”, không thể tin nổi vì… quá tiết kiệm.

Choáng với bức ảnh chụp màn hình số tiền nhà 4 người tiêu Tết, có 2 khoản chi khiến nhiều người sợ hãi- Ảnh 1.

Không mua quần áo, không mua thực phẩm, lì xì ông bà nội – ngoại mỗi 100k, còn các cháu chỉ lì xì 10k,… là cách gia đình này áp dụng để cắt giảm ngân sách tiêu Tết 1 cách triệt để

“Mỗi năm mình đều lên kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết (ngân sách tối đa 5 triệu) và chưa năm nào mình chi vượt 5 triệu cả!

Thu nhập 2 vợ chồng mình 1 tháng là 36 triệu, thưởng tết 2 vợ chồng là 25 triệu. Cứ đến Tết là mình mong lắm vì cứ nhận lương và thưởng là 2 vợ chồng gửi tiết kiệm 40 triệu luôn, số lương còn lại vẫn rủng rỉnh tiêu vì tết ông bà nội ngoại cho rất nhiều đồ ăn, cả tháng Giêng đến ngoài rằm mới phải mua thức ăn” – Cô viết.

Vậy là với mức thu nhập trung bình 36 triệu/tháng và mức thưởng Tết 25 triệu/tháng, cô luôn chỉ tiêu Tết với mức ngân sách 5 triệu quay đầu.

Năm nay, dự kiến ngân sách của gia đình 4 người này chỉ hết 3.580.000đ. Các khoản có thể tóm tắt như sau:

– Tiền mua quần áo, thực phẩm ăn Tết: 0đ

– Lì xì: 700k

– Tiền biếu ông bà 2 bên: 2 triệu (bên ngoại 1 triệu, bên nội 1 triệu)

– Mâm cỗ, bàn thờ, bánh kẹo: 1.150.000đ

Đối chiếu mức thu nhập, mức thưởng Tết với mức ngân sách tiêu Tết của gia đình này, nhiều người tỏ ra bất bình, cho rằng đây không phải là vun vén hay tiết kiệm, mà là quá… hà tiện.

Choáng với bức ảnh chụp màn hình số tiền nhà 4 người tiêu Tết, có 2 khoản chi khiến nhiều người sợ hãi- Ảnh 2.

“Khổ thân ông bà nội ngoại, Tết được biếu 1 triệu thì nuôi các con cháu đến rằm, vén của mình nhưng bòn của bố mẹ thì không nên đâu chị ơi”

Choáng với bức ảnh chụp màn hình số tiền nhà 4 người tiêu Tết, có 2 khoản chi khiến nhiều người sợ hãi- Ảnh 3.

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng cô vợ trong câu chuyện trên chia sẻ bảng kế hoạch tiêu Tết chỉ để… câu like, chứ “một người bình thường không thể chi tiêu như thế này được”

Ngoài việc bất bình vì gia đình này để ông bà nội – ngoại “bao” chuyện ăn uống từ Tết đến hết rằm tháng Giêng, nhiều người còn cho rằng việc cô không chi 1 đồng cho việc mua quần áo mới là tư duy sai lầm. Người lớn có thể không quan trọng việc cứ đến Tết là phải có quần áo mới để mặc, nhưng trẻ con thì khác. Không cần sắm quá nhiều, nhưng ít nhất cũng nên mua cho 2 con, mỗi cháu 1 bộ đồ mới.

“Tết mặc quần áo mới không phải là sống ảo mà là niềm vui của những đứa trẻ. Chẳng đứa trẻ nào không vui khi Tết được mặc quần áo mới cả. Bố mẹ thì có thể mặc vài năm 1 bộ. chứ trẻ con thì không” – Một người dùng ẩn danh quả quyết.

Tiêu Tết muốn tiết kiệm, cần lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm thế nào?

Tạm bỏ qua những tranh cãi về ngân sách tiêu Tết của gia đình 4 người trong câu chuyện phía trên, chúng ta phải công nhận 1 sự thật: Tết có tốn kém hay không, tất cả là ở mình. Muốn tiết kiệm, không thiếu cách.

Để chủ động hơn trong việc chuẩn bị tiền tiêu Tết nói riêng, và trong vấn đề tài chính nói chung, bạn có thể tham khảo 2 gợi ý dưới đây.

1 – Tiết kiệm tiền tiêu Tết càng sớm càng tốt

Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, số tiền cần tiết kiệm để tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể:

– Tiền đi lại (cả 2 chiều)

– Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,…)

– Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,…)

– Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,…)

Choáng với bức ảnh chụp màn hình số tiền nhà 4 người tiêu Tết, có 2 khoản chi khiến nhiều người sợ hãi- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm. ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục “Tiền chăm sóc bản thân” chẳng hạn.

Khi đã chốt được mức ngân sách cuối cùng, bạn đem chia cho 12, là sẽ biết số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng để đón Tết chủ động, đỡ áp lực tài chính.

2 – Không tiêu hết thưởng Tết

Nếu đã có sự chuẩn bị, tiết kiệm tiền tiêu Tết từ trước, khoản tiền thưởng Tết có lẽ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cả cái Tết của bạn. Lúc này, đừng vung tay tiêu sạch tiền thưởng Tết. Thay vào đó, hãy tiết kiệm chính số tiền thưởng Tết ấy, để dành làm ngân sách tiêu Tết cho Tết sang năm, hoặc không, cũng coi như là một khoản tiền phòng thân.

Giống như gia đình trong câu chuyện phía trên, cả lương và thưởng Tết sẽ rơi vào khoảng 61 triệu đồng, và thay vì tiêu hết số tiền ấy, họ sẽ trích ra 40 triệu để gửi tiết kiệm. Thói quen này rất đáng học hỏi.

Nghĩ một cách tích cực, thưởng Tết chính là phần thưởng cho cả 1 năm chúng ta đã nỗ lực làm việc, vậy mà lại tiêu hết sạch trong vòng vài ngày, vài tuần, chẳng phải là cũng có phần lãng phí hay sao?