Luật sư: Vụ nữ nhân viên ngân hàng bị hành hung ở Cần Thơ rất nghiêm trọng

Gần một ngày nay, vụ việc nghi đánh ghen xảy ra tại quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ vẫn gây xôn xao dư luận. Nạn nhân trong vụ việc là N.N.N (30 tuổi, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). Hai nghi phạm trong vụ việc này là H.N.B.T (41 tuổi, ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) và N.T.N.Q (36 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều).

Liên quan đến vụ việc, sáng 3/1, thông tin từ Công an quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) cho biết, đã có quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích, Làm nhục người khác và Gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn quận.

 

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đây là sự việc rất nghiêm trọng, hành vi của người phụ nữ trong clip này là vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự. Bởi vậy việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với những người này về hành vi Cố ý gây thương tích, Làm nhục người khác và Gây rối trật tự công cộng là có căn cứ.

“Người đăng tải thông tin hình ảnh clip trên không gian mạng cũng có thể được xác định là vi phạm pháp luật và bị xử lý. Pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi cố ý gây thương tích, đánh nhau nơi công cộng, làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc gây ra thương tích cho nạn nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, nơi công cộng là nơi sinh hoạt chung của nhiều người. Nơi công cộng mọi người đều được đảm bảo các quyền tự do, các quyền cơ bản của công dân được hiến pháp và pháp luật ghi nhận, trong đó được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm.

Theo đó, ngoài hành vi đánh nhau hoặc đánh người nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi đánh nhau hoặc đánh người nơi công cộng mà chưa gây ra thương tích nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 Bộ Luật hình sự.

Cụ thể, tội danh và hình phạt được Bộ Luật hình sự quy định tại Điều 318, Tội gây rối trật tự công cộng: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Thứ 2, phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, dùng hung khí… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

“Dù bất kỳ nguyên nhân gì chăng nữa thì hành vi đánh người nơi công cộng được lan truyền trên không gian mạng gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, danh dự nhân phẩm của nạn nhân, bởi vậy với hành vi này thì cơ quan điều tra khởi tố hai người phụ nữ về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 Bộ Luật hình sự là có căn cứ.

Hành vi của người phụ nữ này không chỉ xâm phạm đến trật tự công cộng mà còn xâm phạm đến sức khỏe và danh dự nhân phẩm của nạn nhân. Bởi vậy trường hợp kết quả nạn nhân có thương tích dù dưới 11% cũng sẽ xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ Luật hình sự”, luật sư Cường phân tích.

Luật sư cho hay, điều đáng chú ý trong vụ việc này là đối tượng không chỉ thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mà còn lột quần áo nạn nhân để người khác ghi hình đăng lên mạng xã hội, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, nên việc cơ quan điều tra xử lý hình sự các đối tượng này về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ Luật hình sự là có căn cứ.

Những người ghi hình sự việc để trình báo với cơ quan chức năng, tố cáo sự việc nhưng vẫn đảm bảo được bí mật thông tin, danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì có thể không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên người nào thấy nạn nhân bị đánh, bị lột quần áo mà không can ngăn, thản nhiên ghi hình rồi đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

“Bởi vậy những người chứng kiến sự việc, có clip quay về sự việc tuyệt đối không được phát tán mà có thể sử dụng clip đó để trình báo tố giác với cơ quan điều tra, được xác định là người làm chứng trong vụ án này. Người làm chứng phải khai báo trung thực, sự việc, có nghĩa vụ cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan điều tra và tuyệt đối không được thực hiện bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến danh dự nhân phẩm uy tín của nạn nhân. Đối tượng thực hiện hành vi làm nhục người khác sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc mức phạt tù cao nhất có thể đến 5 năm tù”, luật sư Cường lý giải.

Chồng ngoại tình vợ có nên đánh ghen?

Trong sự việc đã qua, luật sư cho biết, những người thấy sự việc không những không ngăn cản mà còn quay clip để đăng tải lên mạng xã hội cho thấy sự vô cảm, thiếu tình người và không hiểu biết pháp luật. Người không cứu giúp mà có những hành động, lời nói có tính chất kích động, giúp sức về mặt tinh thần cho đối tượng thực hiện hành vi đánh người có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm giúp sức.