Đại diện trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) thông tin về mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho giáo viên cao nhất hơn 35 triệu đồng/người.

Theo Saostar ngày 4/12 có bài Trường đầu tiên ở Hà Nội chốt thưởng Tết giáo viên cao nhất hơn 35 triệu đồng. Nội dung như sau:

Theo ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp, năm nay trường thống nhất thưởng Tết cho giáo viên là 1 tháng lương, được tính bằng trung bình cộng thu nhập trong 12 tháng của năm dương lịch 2024.

Dự kiến, trung bình mức thưởng Tết cho giáo viên là 22 triệu đồng/người, mức cao nhất sẽ hơn 35 triệu đồng. “Đây là phần thưởng xứng đáng cho những vất vả, tận tâm cống hiến của thầy cô giáo suốt thời gian qua”, ông nói.

Trường đầu tiên ở Hà Nội chốt thưởng Tết giáo viên cao nhất hơn 35 triệu đồng.

Vị hiệu trưởng cũng cho biết thêm, mức thưởng Tết này không hẳn cao vì trường nghỉ Tết 12 ngày nên thu nhập của thầy cô trong tháng 1/2025 sẽ giảm sút. Nhà trường không trả lương cố định theo tháng mà tính lương theo số tiết dạy nhân với mức lương nên nghỉ 12 ngày thu nhập sẽ giảm. Ông hy vọng khoản thưởng Tết sẽ hỗ trợ được một chút cho những ngày nghỉ đó.

Theo thông báo mới nhất của trường Tiểu học, THCS và THPT Lômônôxốp, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của từ 22/1 đến 2/2/2025, tức từ 23 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết. Học sinh đi học trở lại vào thứ Hai, ngày 3/2/2025 (mùng 6 Tết). Tổng thời gian nghỉ Tết là 12 ngày.

Trước đó, trường Đại học Công thương TP.HCM công bố mức thưởng Tết 25 triệu đồng/người cho tất cả giảng viên, nhân viên, lãnh đạo. Người lao động làm việc một năm trở lên, kể cả đi học ở nước ngoài hoặc trong thời kỳ thai sản, đều nhận thưởng Tết với mức trên. Ngoài ra, trường lì xì ba triệu đồng mỗi người vào dịp đầu năm mới.

Mức thưởng này tương tự năm ngoái. Với khoảng 800 giảng viên, nhân viên, Đại học Công thương TP.HCM dự kiến chi hơn 20 tỷ đồng. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của trường kéo dài 28 ngày, từ 20/1 đến 16/2/2025 (tức ngày 21 tháng Chạp đến 19 tháng Giêng).

Theo báo Dân trí ngày 3/12 có bài Một lời phê của giáo viên, 2 học sinh phải thay học bạ mới. Nội dung như sau:

Sự việc xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TPHCM. Hai học sinh của lớp 12A9 năm học trước do cô K.M. chủ nhiệm là em H.G. và em B.T. được thay học bạ mới vào tháng 6 vừa qua.

Học bạ cũ của hai học sinh được niêm phong, lưu tại trường (Ảnh: Hồng Hoa).

Ở thời điểm đó, nhiều giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ nhận được thông báo từ nhà trường liên hệ với Phòng giáo vụ để hoàn tất học bạ cho em H.G. và em B.T.

Được biết, có 34 giáo viên đã từng dạy hai học sinh này trong 3 năm học (từ 10 đến 12).

Đó là thời điểm học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nộp học bạ xét vào đại học nên có những xôn xao nghi ngại về việc… sửa học bạ cho học sinh.

Thông tin về sự việc này, ông Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, chia sẻ bắt nguồn từ việc giáo viên chủ nhiệm lớp có lời phê trong học bạ chưa sát với năng lực học tập của 2 em học sinh. Lời phê này có thể gây bất lợi cho quá trình học tập của các em ở bậc học cao hơn.

Sau khi nhận đơn cứu xét từ phụ huynh, ban lãnh đạo nhà trường xem xét, đánh giá chuyên môn và thấy lời phê chưa phù hợp với khả năng học tập của học sinh.

Ban lãnh đạo trường đã họp và thống nhất đi đến quyết định “phiên” toàn bộ các điểm số, kết quả trong 3 năm học của hai em học sinh này từ học bạ cũ sang học bạ mới.

Để thay học bạ, trường đề nghị các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm của 3 năm học của học sinh này “phiên” lại điểm từ học bạ cũ sang học bạ mới.

Giáo viên chủ nhiệm trực tiếp mang học bạ của hai em đến nhà 2 giáo viên đã nghỉ hưu để xin ký tên, xác nhận vào học bạ cho các em.

Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Công Trứ khẳng định, trường thực hiện theo đúng quy trình, có các bộ phận có liên quan của trường xác nhận, cùng làm việc.

Không có việc sửa điểm trong 3 năm học THPT của hai em học sinh nói trên hay chạy theo thành tích. Việc thay đổi ở đây xuất phát từ việc giáo viên chủ nhiệm phê chưa phù hợp với năng lực học tập của học sinh, nhà trường thấy cần phải thực hiện việc ghi lại lời phê trong học bạ để đảm bảo quyền lợi cho các em.