Ngày giỗ, chồng tôi tới thật trễ cùng đồng nghiệp, vác theo thùng bia. Cả nhóm ồn ào ăn uống rồi ồn ào kéo nhau đi, để lại “bãi chiến trường”…

Thời con gái, chuyện giỗ quẩy ở nhà, tôi từng là “cánh tay phải” của mẹ. Trước giỗ vài ngày, tôi cùng mẹ lo làm bánh, mua sắm đầy đủ mọi thứ để tới ngày giỗ là bày ra nấu nướng, không cần mua bánh trái bên ngoài, hay phải kêu thợ nấu.

Đến khi lấy chồng, tôi tự hứa sẽ duy trì thói quen ấy. Nhà có đám, tôi thậm chí về trước một đêm để phụ việc bếp núc, nhà cửa.

La re, dung ‘lam khach’ khi nha vo co dam tiec

Trước giỗ, tôi luôn về phụ mẹ dọn dẹp, nấu nướng. Hình minh họa

Những năm đầu làm rể, chồng tôi hết lòng phụ giúp bố vợ chuyện cúng kiếng, kê dọn bàn ghế, tiếp khách. Tan tiệc, chồng còn phụ dọn dẹp rất vui vẻ, nhiệt tình. Các cụ hàng xóm thường vỗ vai bố tôi bảo “dâu hiền con gái, rể thảo con trai”. Bố tôi cười hãnh diện.

Về sau, chồng tôi không còn sốt sắng như trước. Bố không nói ra, nhưng nhìn ánh mắt ngóng trông của bố, cũng đủ biết bố mong chàng rể sớm có mặt, phụ bố một tay. Những lúc ấy, tôi chỉ biết chống chế: “Chồng con hôm nay có việc quan trọng nên về trễ”.

Thú thật, tôi nói vậy mà không dám nhìn thẳng mắt bố. Nếu bữa giỗ có việc quan trọng, tại sao tối trước ngày giỗ không tranh thủ về phụ giúp bố một tay, mà đợi đến trưa, khi khách khứa có mặt đông đủ, chồng mới đến dự cùng với mấy người đồng nghiệp, trên tay là một thùng bia.

Bố tôi không hề vui, tôi biết, thay vì mang thùng bia, chồng tôi có thể đem giỏ trái cây sang cúng, sẽ được lòng bố hơn.

Đến trễ, chồng tôi nêu lý do như cách tôi vừa chống chế với bố. Bố cười vui vẻ, ra điều thông cảm, tíu tít mời bạn của con rể nhập tiệc. Giỗ xong, chồng lại đi mất hút cùng mấy người bạn, bỏ lại “bãi chiến trường”.

Tôi buồn vì cả năm gia đình bên vợ mới có một cái giỗ, nhà lại neo người, vậy mà chồng chẳng khéo thu xếp những năm đầu mới làm rể.

Tôi nghĩ, dù bận rộn đến mấy, dâu/rể cũng phải thể hiện nghĩa vụ với gia đình nhà chồng/vợ một cách đầy đủ, trọn vẹn, huống gì tôi là đứa con duy nhất trong nhà.

Có lần nghe bố kể chuyện ngày bố mới về làm rể nhà ngoại, mỗi khi nhà có giỗ chạp, bố qua sớm têm trầu, sửa soạn nhà cửa phụ bố vợ. Tới giờ tiệc thì bố làm bồi bàn, rồi thì trà nước, tiễn khách, đói đến mệt xỉu. Thời ấy, phải sang hàng xóm mượn bàn ghế, nên giỗ xong, còn phải khiêng trả.

Tôi nghe bố mà “nhột” quá. Giận chồng bởi đã góp ý chuyện này, nhưng anh ấy thủng thẳng: “Anh bận mà, giỗ chứ đâu phải chuyện gì ghê gớm. Sao em không kêu thợ nấu cho khỏe, người ta bao cả chuyện bàn ghế, chén dĩa, cả người chạy bàn…”.

La re, dung ‘lam khach’ khi nha vo co dam tiec

Giỗ quẩy ở gia đình chồng, tôi rất chu toàn. Hình minh họa

Biết như thế là khỏe. Nhưng mẹ tôi thích ngày giỗ, con cháu mỗi người phụ giúp một tay cho vui, bếp núc ngày giỗ phải rộn ràng, đàn bà con gái ngày giỗ mà rảnh quá thấy… sao sao ấy.

Chuyện giỗ quẩy ở gia đình chồng, tôi rất chu toàn, chồng tôi cũng từng ghi nhận những nỗ lực của tôi với gia đình nhà chồng, sao anh ấy lại đối xử tệ với bên vợ như thế?

Tôi nghĩ, phận làm dâu, làm rể đều có nghĩa vụ như nhau. Dâu hay rể cũng đều là con, là người một nhà, phải có trách nhiệm với từng sự kiện trong gia đình.

Tôi mong chồng mãi là “rể thảo”, là “con trai”, chứ đừng là “khách”, đừng thờ ơ, xa lạ với những gì đang diễn ra trong gia đình nhà vợ.