Lỗi vượt đèn vàng 2025 bị phạt bao nhiêu tiền? Mức phạt lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô và xe máy là bao nhiêu?

Lỗi vượt đèn vàng 2025 bị phạt bao nhiêu tiền? Mức phạt lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô và xe máy là bao nhiêu?

Dưới đây là lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô và xe máy mới nhất:

(1) Lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô

Căn cứ theo điểm b khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô như sau:

Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

9. Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;

Như vậy, lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô như sau:

STT

Lỗi vi phạm

Mức phạt

1

Vượt đèn vàng (Không gây tai nạn giao thông)
+ Bị phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm b khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

+ Bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm (điểm b khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

2

Vượt đèn vàng (Gây tai nạn giao thông)
+ Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng (điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

+ Bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm (điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

*Trên đây là mức phạt lỗi vượt đèn vàng áp dụng từ ngày 1/1/2025 đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô!

(2) Lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe máy

Căn cứ theo điềm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe máy như sau:

Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;

Như vậy, lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe máy như sau:

STT

Lỗi vi phạm

Mức phạt

1

Vượt đèn vàng (Không gây tai nạn giao thông)
+ Bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

+ Bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm (điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

2

Vượt đèn vàng (Gây tai nạn giao thông)
+ Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng (điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

+ Bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm (điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

*Trên đây là mức phạt lỗi vượt đèn vàng áp dụng từ ngày 1/1/2025 đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy!

Lỗi vượt đèn vàng 2025 bị phạt bao nhiêu tiền? Mức phạt lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô và xe máy là bao nhiêu?

Lỗi vượt đèn vàng 2025 bị phạt bao nhiêu tiền? Mức phạt lỗi vượt đèn vàng 2025 đối với xe ô tô và xe máy là bao nhiêu? (Hình ảnh Internet)

Thời gian đèn giao thông từ 1/1/2025 tính như thế nào?

Theo Mục A.2 Phụ lục A thuộc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ có đề cập về cách tính thời gian đèn giao thông, cụ thể:

– Thời gian đèn xanh tối thiểu cho một hướng giao thông ít nhất là 15 giây;

– Thời gian tín hiệu đèn dành cho người đi bộ dài ít nhất là 10 giây. Khi lưu lượng người đi bộ thấp và bề rộng đường hẹp (2 làn xe) và không là đường ưu tiên thì có thể giảm bớt thời gian tín hiệu đèn ngắn hơn, nhưng bảo đảm đủ để người đi bộ có thể qua được đường. Chú ý, tốc độ của người đi bộ sang đường tính bằng 1,2 m/s, nếu nơi bố trí dành cho người khuyết tật qua đường sẽ phải tính tốc độ của người sang đường thấp hơn 1,2 m/s và căn cứ vào thị sát để đặt chu kỳ đèn cho phù hợp…

Để trợ giúp người đi bộ sang đường nhất là người khiếm thị, khiếm thính hoặc khuyết tật người ta còn sử dụng thiết bị cảm biến thụ động hoặc nút ấn. Thiết bị nút ấn dành cho người đi bộ sang đường bao gồm nút ấn, đèn nhấp nháy đặt chung trên một cột ở vị trí thuận lợi trên vỉa hè ngay vị trí bắt đầu dành cho người đi bộ sang đường. Thiết bị nút ấn còn trang bị bộ phận phát âm thanh để báo nơi đặt thiết bị nút ấn, âm thanh dễ nhận biết có chu kỳ 0,15 giây và lặp lại sau 1 giây, âm thanh có thể nghe thấy từ cự ly 1,8 m đến 3,7 m và âm lượng không thấp hơn 5 dB nhưng không cao hơn 70 dB và sẽ bị vô hiệu hóa khi chu kỳ đèn nhấp nháy kết thúc. Khi đặt thiết bị nút ấn phải khảo sát thực địa để bố trí phù hợp.

– Sử dụng đèn tín hiệu có đường kính 300 mm ở những đường có tốc V85 từ 60 km/h trở lên và ở nơi thường xuyên không có người điều khiển giao thông, nơi có nhiều người già tham gia giao thông;

Việc chấp hành báo hiệu đường bộ từ ngày 1/1/2025 như thế nào?

Căn cứ Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:

(1) Báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

(2) Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:

– Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

– Tín hiệu đèn giao thông;

– Biển báo hiệu đường bộ;

– Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;

– Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang,

cột Km, cọc H;

– Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

(3) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông được quy định như sau:

– Tay bên phải giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở tất cả các hướng phải dừng lại;

– Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên phải và bên trái người điều khiển giao thông được đi;

– Tay bên phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

(4) Tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:

– Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

– Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;

– Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.

(5) Báo hiệu của biển báo hiệu đường bộ được quy định như sau:

– Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

– Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

– Biển hiệu lệnh để báo hiệu lệnh phải thi hành;

– Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;

– Biển phụ để thuyết minh bổ sung cho biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

(6) Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.

(7) Cọc tiêu, tường bảo vệ để hướng dẫn cho người tham gia giao thông đường bộ biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.

(8) Rào chắn để ngăn không cho người, phương tiện qua lại.

(9) Đinh phản quang, tiêu phản quang để thông tin, cảnh báo về phần đường, làn đường.

(10) Cột Km, cọc H để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ về các thông tin của đường bộ.

(11) Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ để hỗ trợ cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ.

(12) Khi ở một vị trí vừa có biển báo hiệu đặt cố định vừa có biển báo hiệu tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu tạm thời.

(13) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

(14) Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết (3).