Hết Tết, con trai mang lì xì ra tổng kết được hơn 4 triệu đồng. Trước Tết, cu cậu bảo, “Năm nay con sẽ tiết kiệm tiền lì xì, đến hè góp tiền với bố mẹ để cả nhà đi du lịch”.

Con mới 8 tuổi đã biết chia sẻ với bố mẹ như thế, tôi mừng thầm. Mọi năm, cu cậu chỉ hay đề xuất lấy tiền mừng tuổi mua đồ chơi hoặc truyện tranh.

Nhưng tối qua, con trai phát hiện thiếu mất 2 triệu. Thằng bé rơm rớm nước mắt, quay sang hỏi tôi tại sao số tiền lại không còn nguyên vẹn như trước. Tôi bàng hoàng, không biết chuyện gì đã xảy ra.

Tôi hỏi chồng, anh vô tư bảo đã lấy 2 triệu đồng của con để mừng tuổi 2 đứa con sếp. Tôi tức giận đến mức không thể kìm chế được.

Tôi hỏi: “Sao anh lại làm thế? Tiền của con là của con. Con đã lên kế hoạch tiết kiệm tiền để hè đi du lịch rồi. Anh biết chuyện đó rồi còn gì.

Với lại, sao phải mừng những 2 triệu đồng? Nhà sếp thì thiếu gì mà phải mừng tuổi con sếp 2 triệu. Sếp anh có mừng tuổi cho con mình đồng nào không?”.

Anh hờ hững đáp: “Có cái gì mà em làm ầm lên! Tiền nào chả về một mối. Đi du lịch thì bố mẹ lại chi, chứ có gì mà phải rắc rối đóng với chả góp”.

Tôi cay đắng nhận ra sự khác biệt trong suy nghĩ của hai vợ chồng ngày càng lớn, và tôi không biết liệu có thể tìm được sự thống nhất trong cách nuôi dạy con cái của 2 vợ chồng nữa hay không.

Tôi không muốn con lớn lên với suy nghĩ mình không có quyền quyết định được làm gì với số tiền của mình. Và quan trọng hơn, tôi không muốn con cảm thấy bố mẹ không tôn trọng những cảm xúc của con.