Tài sản thừa kế có 4 thửa đất (hơn 650 m2) không di chúc, hai người con gái ruột khởi kiện anh trai nuôi với lý do lấy tới hai mảnh đất, cha mẹ còn sống đã nói chia mỗi con một suất.

Ngày 11/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp thừa kế giữa 4 anh em, do có đơn kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn về phán quyết sơ thẩm của TAND Hà Nội ngày 19/12/2023.

Nguyên đơn là bà Thu, 61 tuổi và bà Đông, 56 tuổi. Bị đơn là anh trai cả, ông Xuân, 71 tuổi.

Theo đơn kiện của bà Thu, bố mẹ họ có 4 người con: ông Xuân là con nuôi và 3 con đẻ là ông Hạ (mất năm 2009), bà Thu và bà Đông. Bố mẹ có tài sản là 656 m2 đất tại 4 thửa liền nhau, tại quận Long Biên.

Bố qua đời năm 1992, không di chúc nhưng khi còn sống có thông báo chia mỗi con một thửa: Xuân thửa lớn nhất, 190 m2; ông Hạ 177 m2. Hai thửa nhỏ còn lại cho hai con gái. Bố mẹ chỉ tuyên bố miệng với các con, không có giấy tờ.

Năm 1995, hai con trai làm nhà trên thửa đất 1 và 2, như được cha chia. Người mẹ ở với vợ chồng con trai thứ. Thửa 3 và 4, cả gia đình sử dụng trồng cây nhưng thuế do hai anh trai đóng.

Năm 2006, ông Xuân đề nghị hai em gái ký giấy cho ông xin cấp sổ đỏ với thửa đất 1, hứa trả lại cho hai thửa đất vườn.

Năm 2014, do ông Hạ đã mất, vợ ông là bà Sen cũng đề nghị hai em chồng ký giấy để làm sổ đỏ với thửa đất số 2.

Nguyên đơn cho rằng trước việc mẹ nói thửa 3 và 4 chia đều cho các con, bà Sen thực hiện cam kết, trả lại 75 m2 cho bà Thu nhưng ông Xuân thì không trả lại cho hai em gái. Nguyên đơn cho rằng đó là lý do xảy ra tranh chấp.

Nguyên đơn Thu cũng phát hiện năm 2016, anh cả còn được cấp sổ đỏ và đứng tên cả thửa đất số 3, diện tích 138,5 m mà bà cho rằng cha mẹ đã hứa cho mình. Mẹ của họ do không biết chữ nên không ký giấy, cũng không điểm chỉ cho ai để cấp sổ đỏ. Do đó, theo bà, có sự ngụy tạo giấy tờ, chữ ký để chiếm tài sản thừa kế.

Trước việc “người hai mảnh đất người không mảnh nào”, bà Thu khởi kiện, đề nghị hủy cả 3 sổ đỏ đã cấp cho anh cả và chị dâu và phân chia lại tài sản thừa kế lại từ đầu.

Theo bản án sơ thẩm, về lý do khởi kiện này, bị đơn Xuân cho rằng khi làm đơn cấp sổ đỏ với mảnh đất sổ 3, mẹ ông có ký cho ông ngoài ra không ai ký. Ông cũng nộp một “Bản cam kết về việc chia cho nhà đất” ngày 2/10/2016 được đánh máy.

Tài liệu này có nội dung rằng mẹ ông đã chia cho ông thửa đất số 3, diện tích 138,5 m2 từ năm 1995, gia đình có nội dung cam kết về việc chia cho nhà, đất và ký tên trước mặt người mẹ tại UBND phường Sài Đồng. Cuối bản cam kết có chữ ký của mẹ và và xác nhận của UBND phường.

Về việc chia thừa kế, ông Xuân nói không có việc bố ông khi còn sống tuyên bố cho hai em gái mảnh đất 3 và 4 mà chỉ tuyên bố cho hai con trai chia nhau chứ không nói cụ thể cho mỗi người bao nhiêu mét đất. Tuy nhiên anh em ông tự phân chia sử dụng.

Theo ông, đến năm 1992, trước khi chết, bố cầm thước, căng dây đo phân chia và cho ông thửa 1, ông Hạ mảnh số 2, còn mảnh 3 và 4 cũng chia nốt cho 2 con trai. Khi ông xây dựng nhà và công trình trên 2 mảnh đất vào năm 1993 và 2002 mẹ ông và hai em gái không ai có ý kiến gì phản đối. Việc bà Thu khai mẹ tuyên bố cho 4 con chia đều thửa đất 3 và 4 là không đúng và ông cũng không hứa sau này sẽ trả lại đất cho hai em gái.

Ông Xuân đề nghị tòa án không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Lời khai của người mẹ khi còn sống, cũng được cấp sơ thẩm công bố lại. Theo đó, cụ không biết việc các con kiện nhau và cũng không bao giờ khởi kiện vợ chồng con trai cả.

Với “Bản cam kết về việc chia cho nhà đất” mà con trai nộp cho tòa, cụ khẳng định mình không biết chữ, và từ khi nghỉ hưu chưa bao giờ ký mà chỉ điểm chỉ. Cụ chưa bao giờ đến UBND phường để ký văn bản nào và chưa ký giấy cho ai nhà, đất mà chỉ nói miệng là cho các con trai đất trong nhà.

Trước khi chết, chồng cụ không có di chúc hay dặn dò gì về việc chia đất cho con nào. Bốn thửa đất đều của vợ chồng cụ, chưa tuyên bố cho con nào. Nay bà Thu yêu cầu chia thừa kế, quan điểm của cụ là chỉ chia một phần đất vườn, tức thửa 3 và 4 cho các con gái.

 

Việc con trai (ông Xuân) và con dâu thứ (bà Sen) làm sổ đỏ bao giờ cụ cũng không biết.

Bà Sen trình bày chỉ thấy bố mẹ chồng khi còn sống tuyên bố chia đất vườn cho con gái, còn đất ở (thửa 1 và 2) chia cho 2 con trai. Bà Sen chỉ đồng ý chia đất vườn, còn mảnh đất số 2 đứng tên bà, không được chia.

Nêu quan điểm tại phiên sơ thẩm, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể, do xác định cả 4 thửa đất đều của cha mẹ các đương sự và nguyên đơn, bị đơn cũng khai rằng cha mẹ đã cho hai con trai lớn 2 thửa 1 và 2 nên không có căn cứ hủy hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hai thửa đất này.

Hai mảnh đất vườn còn lại, cần xác định là di sản thừa kế chưa chia, do đó cần chia theo quy định pháp luật

Nhất trí với quan điểm của cơ quan công tố, HĐXX đánh giá, với thửa đất số 3, được cấp sổ đỏ cho ông Xuân dựa trên “Bản cam kết về việc chia cho nhà đất” do người mẹ ký, song chính cụ đã khai không biết chữ, không ký gì, không lên trụ sở UBND phường lần nào.

Tòa sơ thẩm kết luận, không có tài liệu, chứng cứ gì thể hiện cụ đã được đọc lại nội dung bản cam kết và nhất trí với nội dung bản cam kết đó hoặc cụ ký vào bản cam kết trong tình trạng minh mẫn, không bị lừa dối, ép buộc.

 

Dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP, tòa sơ thẩm đánh giá việc chứng thực của UBND phường vào “Bản cam kết về việc chia cho nhà đất” là không đúng trình tự, thủ tục.

Tài liệu này do đó không được coi là căn cứ pháp lý để xác định người mẹ cho ông Xuân thửa đất số 3. Vì thế, thửa đất này vẫn là di sản chung của cha mẹ, chưa chia.

HĐXX chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, chia thừa kế theo pháp luật với thửa đất này và thửa đất số 4.

Dựa trên biên bản định giá, tổng giá trị hai thửa đất là hơn 10 tỷ đồng. Sau khi tính toán, tòa tuyên số tiền hai nguyên đơn được hưởng, mỗi người 1,7 tỷ đồng. Ông Xuân và bà Sen mỗi người được hưởng 3,38 tỷ đồng.

Nếu chia theo hiện vật, ông Xuân có thể giữ nguyên sổ đỏ đã được cấp cho thửa đất số 3, song phải bù lại tiền cho các em gái.

Cả nguyên đơn và bị đơn cùng kháng cáo phán quyết này.